Sáng 15-2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979 - 2019)". Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày quân và dân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17.2.1979 - 17.2.2019).
Nhìn lịch sử trung thực, khách quan
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979 - 2019)" có sự tham dự của nhiều đại biểu, trong đó có những nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học uy tín trong cả nước như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Chiến lược và Lịch sử Công an… Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của các nhân chứng, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Các đại biểu tham dự hội thảo Ảnh: HIỆP LÊ
Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: "Hội thảo là dịp để nhìn lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 40 năm một cách trung thực, khách quan, qua đó tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đồng thời, phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và nhà nước, ảnh hưởng quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc".
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 60 báo cáo tham luận, tập trung vào những vấn đề cơ bản như: Thứ nhất, khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Thứ hai, tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thứ ba, cung cấp một số cơ sở lý luận, thực tiễn và bài học lịch sử rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thứ tư, đánh giá, làm rõ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh biên giới phía Bắc trong việc khắc phục khó khăn và hậu quả chiến tranh; thi đua xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước.
Hướng tới hòa bình, thịnh vượng
Thông qua hội thảo, góp phần khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc với tinh thần "gác lại quá khứ hướng tới tương lai"; những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Những kinh nghiệm quý về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được rút ra từ hội thảo sẽ được bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ mới. Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy phó Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang - một trong những nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu tại mặt trận Hà Tuyên, cho biết: "Để nói riêng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, sự hy sinh, mất mát không có bút mực nào có thể diễn tả hết. Nhân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc nói chung và tỉnh biên giới Hà Tuyên nói riêng đã chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào".
Trong giai đoạn từ ngày 17-2 đến 18-3-1979, chỉ riêng trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Hà Tuyên (tỉnh Hà Giang ngày nay), Trung Quốc đưa 2 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương và biên phòng đồng loạt tiến công vào 7 huyện. Quân và dân Hà Tuyên đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. "Ký ức đã lùi xa, chúng ta chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu để chống lại quân xâm lược chứ chúng ta không chiến đấu để chống nhân dân nước láng giềng. Họ vốn là bạn của ta, họ cũng rất cần cù lao động, cũng có nguyện vọng hòa bình, hợp tác hữu nghị và phát triển. Vì vậy ngày nay, chúng ta cần phải xây dựng tình đoàn kết các dân tộc giữa các quốc gia" - đại tá Nguyễn Kim Chung chia sẻ.
Hợp tác giữa các tỉnh hai bên biên giới
Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tùng Vài (tỉnh Hà Giang), cho biết đơn vị vận động nhân dân khu vực biên giới đoàn kết, hữu nghị, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế. Địa phương hai bên biên giới đã có những văn bản giao lưu đoàn kết. Các đồn, trạm biên phòng hai nước thực hiện đúng chủ trương, chính sách đối ngoại. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc đã có nhiều hoạt động tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, cùng phát triển, bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực.
Bình luận (0)