"Máy bay địch cách Hà Nội 70 km. Đồng bào chú ý!... Máy bay địch cách Hà Nội 50 km. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào thủ đô chú ý!...". Tiếng nữ phát thanh viên cất lên và sau đó là tiếng còi hú báo động vang lên khắp thủ đô trong đêm 26-12, đêm thứ 9 Mỹ ném bom tàn phá Hà Nội.
Ký ức đau thương
Khoảng 22 giờ ngày 26-12-1972, 30 máy bay B-52 ném bom xuống đường phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm Hà Nội. Chỉ trong chốc lát, bom đạn Mỹ đã san phẳng hầu hết các công trình công cộng và nhà ở. Chợ Khâm Thiên, đình Tương Thuận, rạp hát, cửa hàng thực phẩm và nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng ngàn nhà dân biến thành gạch vụn.
Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, 290 người bị thương. 178 cháu nhỏ thành trẻ mồ côi. Trong trận bom hủy diệt này, ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom sâu hoắm, 7 người trong gia đình không còn ai sống sót.
Phố Khâm Thiên bị máy bay B-52 của Mỹ dội bom san bằng hàng ngàn ngôi nhà, làm 278 người chết, 290 người bị thương vào đêm 26-12-1972 Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Văn Cầu - năm nay đã hơn 80 tuổi, ngụ ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên - là người may mắn thoát chết trong trận bom ấy. Ông nhớ lại đêm 18-12, máy bay B-52 của Mỹ thả bom đánh ga Yên Viên, đêm 21-12 đánh tiếp ga Hàng Cỏ, đêm 22-12 đánh Bệnh viện Bạch Mai. Đêm 26-12, được tin báo địch sẽ tiếp tục trút bom, ông dặn vợ con nhớ xuống hầm trú ẩn rồi đến xưởng in Báo Hà Nội Mới làm ca đêm. Vừa tới xưởng in cũng là lúc máy bay B-52 của Mỹ rải bom xuống khu phố Khâm Thiên. Dứt đợt bom, ông chạy vội về nhà. Mọi thứ tan nát hết. Cả thảy 41 người trú trong hầm trúng bom chết không toàn thây, trong đó có vợ và 5 người thân trong gia đình ông. "Tôi đi tìm vợ thì chỉ còn nửa người trên. Thằng con chỉ còn một cái chân. Tôi nhận ra được vì nó có cái sẹo bị bỏng ngày xưa. Thằng em ruột chẳng thấy đâu. Lúc bấy giờ chỉ nhặt nhạnh cho vào túi ni-lông" - ông Cầu ngậm ngùi.
Suốt 45 năm qua, ở tuổi 68, ông Đặng Đình Lễ (ngụ ngõ Hàng Đài, phường Khâm Thiên) không thể nào quên nỗi đau mất mát người thân mà Mỹ gieo rắc. Ông cưới vợ được 2 hôm, hạnh phúc chẳng tày gang thì vợ ông chết sau đợt Mỹ rải bom bằng B-52 vào đêm 26-12.
Tối hôm đấy, nhiều hàng xóm đang đến chung vui với vợ chồng ông Lễ. Lúc có còi báo động lần thứ nhất, mọi người vẫn chưa vào hầm, đến lần thứ hai thì mọi người mới vào hầm trú ẩn. Vợ chồng ông lúc ấy cũng chạy vào thì hầm đã chật kín người. Lúc sau, 2 quả bom B-52 dội vào… Nhờ ở ngoài cửa hầm, ông Lễ chỉ bị thương ở phần đầu, tay, may mắn thoát ra được. Hàng chục người trong hầm chết, vợ ông và một vài người bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Việt Đức. "Lúc đến bệnh viện, các bác sĩ nói vợ tôi bị thương rất nặng, không qua khỏi, sẽ cố cứu để vợ chồng gặp nhau lần cuối. Nhưng vợ tôi vĩnh viễn ra đi" - ông Lễ bày tỏ.
Tinh thần mạnh hơn cái chết
Mỗi năm, vào ngày 26-12, cả phố Khâm Thiên làm ngày giỗ chung cho 278 người đã mất bởi trận rải bom tàn ác của đế quốc Mỹ. Đã 45 năm trôi qua, nỗi đau Khâm Thiên vẫn nhức nhối trong lòng những người đang sống.
Nằm giữa con phố là Đài Tưởng niệm Khâm Thiên, để tưởng nhớ 278 người có chung ngày giỗ 26-12-1972. Mảnh đất xây khu tưởng niệm chính là nền đất của 3 căn nhà liền nhau số 47, 49, 51 Khâm Thiên bị bom đánh sập cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Tuy không có mặt tại hiện trường cuộc giải cứu nhưng khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy, cảm xúc thương xót dâng trào, họa sĩ Nguyễn Tự, lúc đó công tác tại Công ty Mỹ thuật thuộc Sở Văn hóa Hà Nội, đã nảy ra ý định làm một điều gì đó để tố cáo tội ác của giặc Mỹ.
Phố Khâm Thiên ngày nay Ảnh: VĂN HUY
Họa sĩ Tự đã quyết định nặn bức tượng bằng đất, lấy nguyên mẫu của một phụ nữ người Hà Nội đã bị chết đúng ngay chân cầu thang nhà số 47 Khâm Thiên bị đổ nát. Bức tượng được họa sĩ Nguyễn Tự khắc họa chân dung, dáng vóc của một người phụ nữ Hà Nội, hai tay ôm đứa con đã chết. Chị đau khổ vì mất mát nhưng không khóc, bước chân lên đạp quả bom. Đó là hình ảnh người phụ nữ với tinh thần mạnh hơn cái chết, hơn cả sự hủy diệt của bom đạn. Làm việc liên tục 18 ngày đêm không nghỉ, Nguyễn Tự và các họa sĩ đã đắp, dựng bức tượng bằng xi măng cao 2,4 m.
Đầu năm 1973, ngay tại vị trí 3 ngôi nhà số 47, 49, 51 Khâm Thiên bị san bằng, để ghi nhận chiến công của quân dân phố Khâm Thiên, ghi dấu tội ác của giặc Mỹ, UBND TP Hà Nội đã cho dựng tấm bia: "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ" bằng vật liệu gỗ và cót ép sơn màu trắng.
Một thời gian sau, ý tưởng xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B-52 của đế quốc Mỹ năm 1972 được phát động. Như một cơ duyên, tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Tự được chọn. Bức tượng với sự thuyết phục và mang ý nghĩa tố cáo đã nói lên tinh thần của dân tộc ta trong thời chiến.
Mãi đến ngày 29-4-1979, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã có Quyết định số 54/VH-QĐ công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia cho "Khu di tích Khâm Thiên - nơi ghi tội ác của giặc Mỹ ném bom hủy diệt khu đông dân bằng máy bay B52".
Không bao giờ quên lãng
45 năm qua, Đài Tưởng niệm Khâm Thiên vẫn là nơi để thân nhân của những người đã chết vì bom B-52 nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp được; là nơi để thế hệ trẻ biết đến tội ác của đế quốc Mỹ và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Hằng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và đặc biệt là vào dịp kỷ niệm chiến thắng B-52, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân, học sinh ở thủ đô Hà Nội đến dâng hương tưởng nhớ, biết ơn công lao của những người anh hùng đã chiến thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-12
Kỳ tới: Rạng danh Không quân Việt Nam
Bình luận (0)