Tối 11-10, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện khẩn số 78/CĐ-TW gửi tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công an về công tác phòng chống mưa lũ đang diễn ra rất nguy cấp.
Hậu quả khủng khiếp
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ ngày 9 đến 11-10, các tỉnh ở khu vực trên có lượng mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm, một số nơi lượng mưa lên tới hơn 550 mm.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến 17 giờ ngày 11-10, mưa lũ đã làm chết 29 người (Thanh Hóa: 8 người, Nghệ An: 6, Hòa Bình: 6, Sơn La: 5, Yên Bái: 3, Quảng Trị: 1); mất tích 21 người (Hòa Bình: 5, Yên Bái: 9, Sơn La: 3, Thanh Hóa: 3, Nghệ An: 1).
Tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định… đã có ít nhất 62 nhà bị sập; ngập 6.018 nhà; hư hại 47.250 ha hoa màu, thủy sản; sập 4 cầu. Trước tình hình mưa lũ diễn biến nguy hiểm, lực lượng chức năng đã di dời gần 8.000 hộ dân ở các địa phương đến nơi an toàn.
Lũ lên nhanh cô lập nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An Ảnh: ĐỨC NGỌC
Tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương bị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Ít nhất đã có 12 người chết và mất tích, sạt lở 2.000 m kè, sập 2 nhịp cầu Ngòi Thia ở thị xã Nghĩa Lộ. Nhiều khu vực ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu bị lũ cô lập. Ngay sáng 11-10, bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã trực tiếp đến huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ để chỉ đạo công tác ứng phó. Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đã yêu cầu thị xã Nghĩa Lộ tập trung huy động toàn bộ lực lượng di dời người và tài sản tới nơi an toàn; tìm kiếm người mất tích.
Tại tỉnh Thanh Hóa, chưa bao giờ người dân phải căng mình chống chọi mưa lũ khắp mọi nơi như lúc này và hiện đã có 8 người chết, 3 người mất tích. Từ thành phố đến vùng đồng bằng ven biển, các huyện miền núi, nơi đâu cũng mưa tối trời, người dân ngâm mình dưới dòng nước lũ để cứu vớt tài sản.
Xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh vẫn đang bị cô lập. "Trong hôm nay, nước ở tất cả các sông trên địa bàn sẽ vượt quá mức báo động 3 nên tất cả các địa phương đã được lệnh sẵn sàng di dân khẩn cấp khi có lệnh. Hiện 3 hồ lớn là Yên Mỹ, Bến En và Cửa Đạt đều đã xả lũ do nước trên hồ đã vượt quá mức cho phép" - ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cho biết .
Tại tỉnh Hà Tĩnh, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ... nhiều nơi vẫn ngập sâu, giao thông bị chia cắt; khoảng 20.000 học sinh ở các huyện này vẫn chưa thể đi học trở lại.
Tại tỉnh Nghệ An cũng đã có 7 người chết, mất tích do mưa lũ. Hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn bị ngập, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường liên huyện, liên xã tại các huyện miền núi như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, thị xã Hoàng Mai... bị chia cắt do ngập úng, sạt lở; nhiều nơi bị mất điện, mất nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Đe dọa đập thủy điện
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm trở lại đây, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung phải hứng chịu lượng mưa cực lớn, dồn dập trong thời gian ngắn. "Tình hình rất nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn hồ đập và tính mạng người dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, hồ Hòa Bình liên tục phải mở 8 cửa xả đáy; thủy điện Sơn La phải dừng phát điện" - ông Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đây là một đợt mưa rất bất thường. Đặc biệt nguy hiểm là tất cả 2.896 hồ chứa từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc đều đầy nước, trong đó có 10%-15% hồ đã bị tràn. Hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La đều ở mức nước cao nhất. Ngày 10-10, mực nước tại hồ Hòa Bình đã lên tới 117 m; lưu lượng nước cao nhất trong khi lũ về ở lưu vực hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/giây.
"Tình hình này đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là 31 hồ chứa thủy điện, liên quan đến các hệ thống đê, những vùng dân cư trũng và sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ đợt này xảy ra trong một bối cảnh cộng hưởng nhiều yếu tố, nguy hiểm chưa từng thấy trong nhiều năm qua"- ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Tập trung cứu dân
Chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc mưa lớn kỷ lục, dồn dập trong thời gian ngắn đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, tài sản của người dân. Tình huống áp thấp nhiệt đới ngoài khơi mạnh lên thành bão đổ bộ trong những ngày sắp tới là cực kỳ nguy hiểm.
"Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân khu vực miền Trung cũng như Bắc Bộ, cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra cũng như tình huống bão đổ bộ trong một số ngày tới" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, cơ quan có liên quan triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, hạn chế thiệt hại cho người dân, thực hiện nghiêm túc Công điện chỉ đạo số 1533/CĐ-TTg ngày 11-10 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, ven sông suối; kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại trong vùng lũ, nhất là các khu vực ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết; tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì điều phối, chỉ đạo bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, đặc biệt chú ý những hồ đã đầy nước, các hồ yếu, xuống cấp nguy hiểm. Đối với 31 hồ thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du.
Bộ Công Thương chủ động bảo đảm an toàn mạng lưới điện cho sản xuất và sinh hoạt. Bộ Giao thông Vận tải huy động lực lượng khắc phục sự cố các công trình giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn trong mưa lũ.
Cơ quan khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, đưa ra thông tin dự báo kịp thời đến người dân.
Một phóng viên bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp
Vào khoảng 12 giờ ngày 11-10, mưa to, nước lũ tràn về rất lớn đã phá hủy, làm sập một mố và 2 nhịp cầu Ngòi Thia (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Nhịp cầu sập xuống đã làm cho số người đang đứng trên cầu bị trôi xuống nước, dòng lũ cuốn trôi mất tích. Trong số người bị cuốn trôi, có nhà báo Đinh Hữu Dư (SN 1988, quê Ninh Bình), phóng viên thường trú Thông Tấn Xã Việt Nam tại tỉnh Yên Bái, khi đang tác nghiệp tại hiện trường.
Sau khi hay tin nhà báo Đinh Hữu Dư gặp nạn, trên trang Facebook cá nhân của anh, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã đăng những dòng tin, cầu mong cho nhà báo Đinh Hữu Dư sẽ bình an trở về. Hiện các lực lượng cứu hộ của địa phương đang triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn nhưng chưa có kết quả.
V.DUẨN
Khả năng lại có bão
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết 3 ngày tới sẽ có không khí lạnh kết hợp hoàn lưu nên vẫn có mưa, trọng tâm mưa ở Hòa Bình, Thanh Hóa. Từ chiều 12-10, mưa có thể giảm nhưng hiện có áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khơi, nhiều khả năng sẽ vào biển Đông và có thể mạnh lên thành bão.
Ông Cường lưu ý tình huống rất nguy hiểm khi mưa lớn, gió mạnh cùng lúc bão đổ bộ vào khu vực miền Trung. Đặc biệt, trong ngày 12-10, lũ trên sông Mã (Thanh Hóa) dự báo sẽ trên báo động 3, tương đương mức lũ lịch sử năm 1980 và 2007 (xảy ra sự cố vỡ hồ Cửa Đạt).
Bình luận (0)