Sáng 25-12, nhân kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021), ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã về dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức các bậc tiền nhân có công mở đất, khai phá bờ cõi tại Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên).
Tại đây, ông Lê Trí Thanh đã trồng cây đa lưu niệm trong khuôn viên nhà thờ, trò chuyện, thăm hỏi, tặng quà các bô lão…
Cùng dự có ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, lãnh đạo UBND xã Duy Sơn, Duy Trung và Ban Cố vấn trong Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, viếng hương tại Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu
Ca ngợi giá trị lịch sử, văn hóa của Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, ông Lê Trí Thanh cho biết đây là một trong các di tích lịch sử cấp Quốc gia lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa cộng đồng cao và tiêu biểu nhất về vùng đất, con người Quảng Nam.
"Tôi mong rằng chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; đời sống nhân dân sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc" - ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trồng cây đa lưu niệm trong khuôn viên Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu
Ông Nguyễn Thanh Tài, Chủ tịch Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu, bày tỏ sự vinh hạnh khi được đón tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Nhà thờ - nhân dịp kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam.
"Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu được xây dựng đến nay đã 341 năm (từ năm 1680) thời vua Lê Hy Tông, để tưởng nhớ công sức của chư vị tiền hiền, hậu hiền, liệt tổ đã có công khai hoang bờ cõi. Hôm nay, chúng tôi vinh dự khi được đón tiếp ông Lê Trí Thanh đến dâng hương tưởng niệm và trồng cây" - ông Tài bày tỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, tặng quà Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu
Ông Lưu Tấn Hưng (70 tuổi, ngụ thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) cho biết người dân tại thôn Trà Châu rất phấn khởi khi nghe tin ông Lê Trí Thanh đến thăm và trồng cây tại Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với người dân; quan tâm đến các giá trị lịch sử, văn hóa.
Video: Ông Lê Trí Thanh trồng cây đa lưu niệm tại Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu
Theo tư liệu Hán Nôm và lời kể của các tộc họ, cách đây 550 năm, vào năm 1471, trong hành trình mở cõi, 13 vị tiền hiền ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc 13 dòng tộc Lê Đình, Lưu Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thành, Nguyễn Như, Nguyễn Tá, Lê Quang... theo vua Lê Thánh Tông tiến vào Nam dẹp giặc đã dừng chân ở vùng đất Chiêm Thành.
Trà Kiệu thời sơ khai là một vùng đất hoang vu, rừng đồi hiểm trở, những tộc họ đến đây đã bỏ công sức để biến thành ruộng vườn màu mỡ. Thời gian dần trôi, hơn 400 mẫu đất được khai hoang, làng mạc được hình thành xã Trà Kiệu ra đời, lúc này thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa.
Kinh tế phát triển, cư dân khắp nơi quy tụ về đây. Tính đến năm 1661 (triều vua Lê Huyền Tông), đã có 63 tộc phái được khắc tên trong Kim bảng - bài vị thờ tại tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu. Ruộng đất (công điền, công thổ, tư điền, tư thổ) khoảng trên 1.325 mẫu, được ghi đầy đủ vào sổ từ thời Gia Long, dày đến 840 trang. Vì thế, Trà Kiệu là xã lớn ở tỉnh Quảng Nam (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng).
Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu có lịch sử 341 năm
Đến năm Thành Thái thứ mười tám (1906), để dễ bề kiểm soát, chính quyền phong kiến chia Trà Kiệu ra thành 5 xã nhỏ: Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam và Trà Kiệu Thượng. Tuy nhiên, các lễ cúng tế tổ tiên vẫn giữ nguyên như lúc chưa chia cắt nên danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu ra đời từ đó.
Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được xây dựng vào thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680), được xây mới lại vào năm 1955, sau khi bị chiến tranh tàn phá. Ngày 16-11-2005, Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, lễ hội cúng tế, dâng hương và tưởng niệm công đức tổ tiên được tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch.
Bình luận (0)