Ngày 31-10, UBND TP HCM đã có báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn TP giai đoạn 2015-2019.
Tính đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP có 2.052.279 trẻ em. Theo đánh giá của UBND TP HCM, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, với cách thức ngày càng tinh vi.
Một đối tượng dâm ô trẻ em tại quận Bình Tân, TP HCM
Cụ thể, từ năm 2011-2014, trên địa bàn TP có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (43 trẻ em trai và 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục.
Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, có cả người có nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên. Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới.
Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng "lòng tốt" nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại với trẻ em.
Việc xâm hại gây hậu quả cho trẻ ở các mức độ khác nhau, nhất là gây tổn thương trong suốt quãng đời còn lại của trẻ. Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, đau lòng là có 6 trẻ em tử vong; 6 trẻ em bị thương tật; 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần; 86 trẻ em có thai, 9 trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần.
Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do yếu tố văn hóa, nhiều gia đình chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại.
Trước tình trạng trên, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em.
UBND TP HCM cũng kiến nghị các bộ ngành trung ương có quy định đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế; TAND cấp huyện quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.
Bình luận (0)