Tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em gia tăng đến mức báo động ngoài nguyên nhân đạo đức xuống cấp còn do hệ thống pháp luật đang bị chậm hơn thực tiễn cuộc sống.
Cần có bộ phận chuyên trách
Chưa có lúc nào mà hành vi XHTD trẻ em được thông tin nhiều như thời gian gần đây. Có vẻ như bất cứ lúc nào, ở đâu, trẻ em cũng đã và đang đứng trước nguy cơ bị XHTD, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương.
Thế nhưng, tiến độ xử lý các tin báo về tội phạm loại này lại khá chậm. Điển hình là vụ việc nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh. Dư luận sốt ruột đếm ngược từng ngày cơ quan tố tụng khởi tố ông Linh về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Vẫn biết thận trọng trong việc xử lý tội phạm là cần thiết nhưng với hành vi khá rõ ràng của ông Linh mà mất đến 20 ngày sau, cơ quan tố tụng mới khởi tố thì quá chậm.
Quy trình xử lý đối với loại tội phạm XHTD hiện nay đã bộc lộ sự bất cập. Khi nhận tin báo tố giác tội phạm về XHTD, nhất là liên quan đến trẻ em, thì các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn áp dụng quy trình như những loại tội phạm khác. Án XHTD hầu hết thuộc trường hợp truy xét, ít có trường hợp bị bắt quả tang nên cơ quan tố tụng dè dặt, đôi khi thận trọng quá mức cần thiết. Trong khi đó, việc thu thập tinh dịch, mẫu ADN, giám định pháp y… cần phải tiến hành nhanh chóng, chạy đua với thời gian. Chưa kể, quy trình từ trình báo qua cơ quan công an đến khi giám định mất nhiều ngày.
Đối với người bị hại là trẻ em, việc trình báo với cơ quan chức năng hết sức khó khăn, nói gì đến việc thu thập, lưu giữ dấu vết để giúp cơ quan chức năng truy bắt hung thủ. Lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ, dấu vết mờ, cơ quan tố tụng không dám khởi tố vụ án, khởi tố bị can khiến nhiều vụ XHTD trẻ em bị kéo dài, thậm chí không xử lý được kẻ biến thái.
Vì vậy, cần phải thay đổi quy trình, nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD, bởi loại tội này mang tính đặc thù. Cần thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD từ trung ương đến địa phương với nhân sự là đội ngũ bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, các nữ cảnh sát đã được đào tạo chuyên sâu về tâm lý trẻ em. Khi có tin báo tội phạm, bộ phận này sẽ trực tiếp tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu; thăm khám, giám định pháp y, thu thập dấu vết, vật chứng và kết luận có hay không dấu hiệu XHTD. Kết quả giải quyết của bộ phận này là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Bị cáo Hoàng Văn Tính bị tuyên phạt 10 năm tù về hành vi hiếp dâm trẻ em Ảnh: Di Lâm
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 so với BLHS 1999 đã có những thay đổi theo hướng tích cực hơn trong việc bảo vệ người bị XHTD, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tiễn, các tội danh liên quan đến XHTD của BLHS 2015 vẫn chưa bao quát hết, một số hành vi tấn công tình dục vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa bị xem là tội phạm.
Cụ thể, hành vi quấy rối tình dục hiện nay vẫn mới dừng lại ở mức xử phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng. Một mức phạt quá nhẹ so với tính chất nguy hiểm của hành vi. Nhiều trường hợp, hành vi quấy rối tình dục bị xã hội lên án nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được vì vướng luật. Vì vậy, để không bỏ lọt các hành vi quấy rối tình dục, Quốc hội cần sửa BLHS hiện hành, đưa hành vi này là tội phạm. Đối với nhóm tội XHTD, BLHS cần tách ra thành một chương riêng, không cơ cấu chung với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm như cấu trúc BLHS hiện hành.
Mặt khác, đối với các hành vi XHTD trẻ em, cần có mức hình phạt thật nặng. Phải xem hành vi này là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức hình phạt thấp nhất trên 15 năm tù. Theo BLHS 2015, một số tội XHTD trẻ em hiện nay có mức hình phạt khá thấp, thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Quy định pháp luật nhẹ, khi xét xử có trường hợp lại áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo, không đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Trong lúc chờ Quốc hội sửa luật, các cơ quan tố tụng liên ngành ở trung ương hoặc ít nhất là TAND Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn có tính chất quy phạm pháp luật (thông tư liên tịch, nghị quyết hội đồng thẩm phán) đối với loại tội phạm này cho phù hợp với quy định của BLHS 2015. Hiện nay, một số tội danh về XHTD vẫn được áp dụng các văn bản hướng dẫn từ năm 1998, không còn phù hợp với quan điểm, đường lối, khái niệm theo luật mới.
Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, người và cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần thực thi pháp luật nghiêm minh và kiên quyết. Mọi hành vi phạm pháp, dù là quan chức hay thường dân, dù giàu hay nghèo, đều phải chịu sự chế tài như nhau trong trường hợp vi phạm pháp luật giống nhau.
“Phải gắn camera ở trường học, công viên, nơi công cộng… và xử nghiêm đối tượng xâm hại trẻ em, kể cả việc xem xét chấp thuận dùng biện pháp thiến hóa học” - thiếu tá Lê Đức Song (Công an huyện Hóc Môn, TP HCM) đề xuất.
15 " hàng rào" bảo vệ vẫn chưa chặt
Rất nhiều văn bản pháp luật thể hiện mục đích rõ ràng: bảo vệ trẻ em trước những đối tượng có hành vi xâm hại, đặc biệt là XHTD, như Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, BLHS năm 2015, Công ước về quyền trẻ em... Tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lý loại tội phạm này vẫn còn nhiều bất cập.
Ví dụ, pháp luật hình sự bỏ sót một số hành vi như: tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em hoặc pháp luật tố tụng hình sự chưa đề cập chi tiết về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE); chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em.
Với nhiều vụ án, cơ quan chức năng yêu cầu chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. Đây là yêu cầu khá vô lý. Xét hành vi dâm ô hay tình huống gia đình nạn nhân phát hiện muộn, tìm đâu ra dấu vết kẻ thủ ác để lại? Ngoài ra, nạn nhân phải có giấy tờ xác nhận từ cơ quan công an thì ngành y tế mới chấp nhận giám định. Như vậy, những vụ việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nạn nhân phải lên trung tâm giám định trực thuộc tỉnh. Thời gian làm thủ tục, di chuyển quá dài, có thể chứng cứ không còn. Rắc rối này xuất phát từ những điều luật thiếu thực tế. Theo điều 22 Luật Giám định tư pháp, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu hành vi bị xâm phạm thì người thân nạn nhân trình báo với công an. Trong 7 ngày, cơ quan công an sẽ quyết định có trưng cầu giám định hay không. Trong khi đó, chứng cứ có thể biến mất trong 72 giờ hoặc nạn nhân lau chùi cơ thể, tắm rửa...
Hiện một trẻ có tới 15 cơ quan, tổ chức cùng bảo vệ, chưa tính đến cơ quan tố tụng, luật sư... 15 "hàng rào" bảo vệ nhưng nhiều vụ XHTE gây rúng động vẫn trong tình trạng bỏ ngỏ kết quả. Vậy trách nhiệm 15 tập thể này đến đâu?
Luật pháp, xã hội xem XHTE là tội ác. Đã là tội ác thì cần ngăn chặn, trừng trị thẳng tay. Hướng tới mục đích trên, cơ quan soạn thảo cần nhanh chóng sửa đổi những khiếm khuyết pháp luật đang vướng phải, bổ sung những nội dung pháp luật còn thiếu sót.
Ở nhiều nước phát triển, hành vi XHTE có những chế tài rất nặng, có thể là tù chung thân hoặc ghi vào lý lịch. Ở nơi cư trú, người có tiền án XHTD trẻ em còn chịu sự giám sát suốt đời, chính quyền thông báo rộng rãi đến người dân về việc trong khu vực có người phạm tội XHTE. Chúng ta hiện không có động thái này.
Bên cạnh đó, người thực thi pháp luật cần coi mọi hình thức (kể cả nhìn soi mói, âu yếm quá mức hay sờ mó) đều là XHTD. Cơ quan chức năng cần kiên quyết điều tra, xử lý dứt điểm những vụ án XHTD trẻ em; đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm XHTD phụ nữ, trẻ em xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.
Luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM)
Bình luận (0)