TP HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 vào tối 15-7.
Nhiệm vụ an dân là cực kỳ quan trọng
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, khẳng định TP đang tập trung triển khai các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm kéo giảm, khống chế ca bệnh. Trong đó tập trung thực hiện tương đối đồng bộ chiến lược phòng chống dịch với 5 trụ cột từ xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị và chuẩn bị tiêm vắc-xin.
Hiện TP đã khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm phần lớn đem lại kết quả. Tuy nhiên, cần tính toán phương án nếu sắp tới, các tỉnh lân cận đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16. Qua 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, vẫn còn số ca trong cộng đồng chưa được phát hiện kịp thời. Do đó, cần tăng cường tầm soát, xét nghiệm, truy vết thần tốc hơn nữa để ngăn chặn đường lây ra cộng đồng.
Việc cách ly, điều trị các trường hợp F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cần triển khai nhanh theo biện pháp mới của Bộ Y tế. Phối hợp với địa phương thực hiện cách ly theo dõi điều trị tại nhà, hướng dẫn đầy đủ theo dõi sát, xử lý nhanh khi cần thiết vì đây là giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo cần thí điểm để doanh nghiệp và người dân tự tham gia xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện sớm người bị lây nhiễm ngoài cộng đồng khi chưa có lực lượng xét nghiệm.
"Cần quan tâm đến tâm lý tinh thần của nhân viên y tế và an dân là cực kỳ quan trọng. Người dân đang bị sức ép về đời sống do giãn cách, nhiều hoạt động bị đảo lộn, khó khăn cần tiếp sức của xã hội. Việc quan tâm đến tâm lý xã hội là cực kỳ cần thiết để tránh bất an, tránh gây căng thẳng. Ngoài ra, khi ban hành bất cứ thông tin nào cũng cần rõ ràng và phân tích để người dân hiểu, chấp hành" - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng TP nên xem xét nếu trong 1 tuần nữa số ca mắc vẫn tăng, tỉ lệ tử vong tăng thì khó lòng chống dịch theo Chỉ thị 16. Nếu không kéo giảm được thì xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, làm quyết liệt để giải quyết dứt điểm. Hiện số ca F0 không có triệu chứng chiếm khoảng 80%, phải chuyển về cho địa phương để giảm gánh nặng. Từ nay đến khi chấm dứt thời hạn thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan của TP tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp.
"Trong trường hợp nếu có 50.000 F0, liệu chúng ta có thực hiện tập trung theo cách này mãi được không? Rồi F1 thì lên bao nhiêu. Tinh thần lực lượng chống dịch cũng sẽ uể oải nếu lượng người quá lớn. Chúng ta phải tính điều này chứ không khéo mất hết sức lực mà không giải quyết được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy bố trí lắp đặt máy móc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vừa thành lập ở TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Rút ngắn thời gian đưa F0 đi điều trị
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận trong 7 ngày qua, TP vẫn còn tình trạng tập trung đông người để thực hiện xét nghiệm.
Việc trả kết quả xét nghiệm cho người dân còn chậm, quy trình vận chuyển người bệnh còn lúng túng, nhiều địa phương mất nhiều thời gian trong việc tìm bệnh viện có năng lực để chuyển đến. Điều này gây mất thời gian cho việc cấp cứu bệnh nhân, gây bức xúc cho người dân. Ông yêu cầu các địa phương cần có sự phối hợp, không nên chuyển giao hẳn công tác xét nghiệm cho các trung tâm y tế.
Về công tác xét nghiệm, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cần thực hiện nhanh, chính xác để phát hiện F0 sớm, đưa đến khu điều trị nhanh nhất. Các quận, huyện, TP Thủ Đức cần thành lập tổ công tác xét nghiệm để làm tốt công tác nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm cho người dân.
Đối với khu cách ly tập trung cần phải siết chặt an ninh, bảo đảm việc giãn cách trong khu cách ly và phải có đầy đủ phòng tắm, nhà vệ sinh, xử lý tốt rác thải, dụng cụ y tế. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo nhằm giảm các ca F0 phát sinh trong khu vực này.
Ở khu vực phong tỏa, cần siết chặt hơn nữa, không được để người dân đi lại, tiếp xúc với nhau. Trường hợp nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Đặc biệt, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho khu cách ly, phong tỏa không để người dân, người cách ly bức xúc.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện nay TP xác định công tác điều trị là quan trọng nhất. Ông yêu cầu ngành y tế TP tập trung điều trị cho các F0 nặng và người có bệnh nền để hạn chế tối đa tử vong. Đặc biệt, cần rút ngắn thời gian vận chuyển F0 đến nơi điều trị.
Bên cạnh đó, hiện nay, lực lượng phòng chống dịch ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến làm công tác hậu cần còn mỏng. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi lực lượng thanh nhiên xung phong tham gia hỗ trợ TP.
"Chúng ta chỉ còn 7 ngày nữa thôi để thực hiện bằng được việc kiểm soát dịch. Để làm được điều này, chúng ta phải sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng, đưa đi cách ly nhằm đưa TP trở lại tình trạng như trước. Chúng ta làm được điều này hay không là cần có sự đồng lòng, quyết tâm của người dân TP và chính quyền" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ.
Số ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm
Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết trong 1 tuần qua, trung bình mỗi ngày TP ghi nhận hơn 1.300 ca mắc Covid-19, chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa.
TP đang điều trị cho 20.411 bệnh nhân mắc Covid-19 tại các cơ sở y tế, trong đó 80% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, TP đang điều trị cho 246 ca nặng, đang thở máy; có 7 ca phải can thiệp ECMO.
Trong 7 ngày thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16, TP đã gặp khó khăn khi nhiều cán bộ ở các quận 4, quận 7, quận 8 nằm trong khu phong tỏa. Ca bệnh tăng cao, cơ sở vật chất chưa chuẩn bị kịp.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết từ ngày 9-7 đến nay, TP phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.
Bình luận (0)