Ngày 18-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM tổ chức Hội thảo Bảo vệ quyền trẻ em - thực trạng và giải pháp.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hoá, giáo dục của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM cùng đại diện các sở, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Thị Lệ đã nêu ra 7 vấn đề cần lưu ý cho hội thảo. Trong đó, Chủ tịch HĐND TP HCM nhận định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại từ người thân quen trong gia đình… là những vấn đề mới cần được quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch HĐND TP HCM cho hay vừa qua có những vụ việc đau lòng, rất đáng tiếc đã xảy ra, trong đó có những vụ việc xảy ra tại TP HCM như bé gái 8 tuổi ở Bình Thạnh bị cha và người sống cùng bạo hành dã man.
"Trong 2 năm đại dịch vừa qua, trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc giãn cách xã hội, học online để phòng chống dịch khiến trẻ phải đối mặt nhiều hơn với sự căng thẳng, nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Thậm chí có hàng ngàn em đã mất đi cha mẹ, người thân, để lại những vết thương lòng khó xoa dịu"- Bà Nguyễn Thị Lệ nói và nhấn mạnh công tác bảo vệ trẻ em hiện nay phải tính đến những đặc điểm này.
Để tăng cường vai trò của các cấp cơ sở trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Chủ tịch HĐND TP cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và chính sách đối với cán bộ, cộng tác viên, nhân viên xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, nhất là người làm công tác này ở cơ sở.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em cũng phải được nâng cao hơn bằng nhiều hình thức, không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt ở khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân. Những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng tin xấu độc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ em cần được xử lý nghiêm bằng chế tài hành chính, hình sự.
Bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Đây cũng sẽ là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý nếu có vụ việc bạo lực, xâm hại xảy ra.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra những nguy cơ trẻ bị xâm hại; những biểu hiện, dấu hiệu, hậu quả nghiêm trọng mà trẻ bị xâm hại có thể gặp phải.
Các đại biểu phân tích nhu cầu của trẻ em về vật chất lẫn tinh thần dưới góc nhìn tâm lý học trước, trong và sau giai đoạn thành phố chịu tác động của đại dịch Covid-19. Từ đó, đề xuất những nhóm giải pháp, nêu ra những vấn đề để hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP, cho biết Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP sẽ tiếp thu ý kiến và chủ động tham mưu cho Thường trực HĐND TP những nội dung kiến nghị với UBND TP và các đơn vị có liên quan về công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện cũng như những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn về công tác trẻ em trên địa bàn thành phố.
Bình luận (0)