Người dân không chỉ bất an mà còn bức xúc với lực lượng này bởi đây không phải là lần đầu "dính phốt". Còn nhớ, tháng 7-2017, một nhóm bảo vệ dân phố khác cũng thu "tiền tươi thóc thật" của các tiểu thương buôn bán tự phát trên đường Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Những người dân thấp cổ bé họng vì muốn yên ổn kiếm sống nên cắn răng chấp nhận nộp phạt "không biên lai" cho bảo vệ dân phố. Hay vì không nộp tiền dân phòng hằng tháng mà từ cuối năm 2016 đến giữa tháng 3-2017, nhiều hộ dân ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức bị chính lực lượng này tạt sơn vào nhà. Các hộ dân không đóng phí dân phòng vì lực lượng này hoạt động không hiệu quả, đáp lại họ bị uy hiếp tinh thần bằng thủ đoạn hèn hạ. Gần nhất là tháng 11 vừa qua, một nhóm dân phòng ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đã ngang nhiên "làm luật" cánh tài xế đậu xe chờ đến giờ vào trung tâm TP.
Những vết sơn hắt vào cửa nhà dân ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức làm xấu đi hình ảnh lực lượng dân phòng tự quản
Quay lại sự việc bé trai 6 tuổi bị sát hại, người cha của hung thủ chia sẻ con ông từng đi điều trị bệnh tâm thần 6 tháng và phải thường xuyên uống thuốc, khám định kỳ. Vì muốn con mình tiếp xúc với mọi người, nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội nên ông xin cho Giang tham gia vào lực lượng dân phòng. Giang chịu thiệt thòi về thể chất, tinh thần còn người cha muốn con mình hòa nhập với cuộc sống là điều dễ thông cảm. Nhưng công việc gì cũng có những tiêu chuẩn riêng của nó. Như bảo vệ dân phố được quy định phải có lý lịch rõ ràng, có sức khỏe, nhiệt tình và tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, được khu dân cư tín nhiệm bầu ra. Lực lượng này chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy phường, giám sát của HĐND phường, quản lý điều hành của UBND phường và chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Công an phường.
Như vậy, có ít nhất 4 cơ quan "gác cửa" đối với việc một người xin vào làm bảo vệ dân phố như Giang. Điều đó có nghĩa là khi xảy ra sự việc bảo vệ dân phố gây án mạng thì 4 cơ quan "gác cửa" này phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới trách nhiệm chứ không thể đổ thừa cho người khác. Công an phường trực tiếp thẩm định lý lịch, tiêu chuẩn một người có được tham gia lực lượng bảo vệ dân phố hay không nên phải chịu trách nhiệm chính. Không lẽ ai muốn xin vào lực lượng bảo vệ dân phố thì công an phường đều nhận hết và UBND phường đều thông qua hết, trả lương hằng tháng?
Nói đi thì cũng nói lại, hiện mức lương của bảo vệ dân phố chỉ có 1,5 triệu đồng, nếu có thêm phụ cấp nữa cũng nâng lên 2 triệu đồng. Chỉ có người cao tuổi mới an phận với đồng lương đó và coi bảo vệ dân phố như thú vui tuổi già. Chứ người trẻ thì làm sao xoay xở cho cuộc sống của chính mình với mức thu nhập ít ỏi như vậy, chưa kể phải lo cho gia đình, con cái. Và khi đồng lương không đủ sống thì họ phải tìm cách kiếm thêm, thậm chí làm liều!
Bình luận (0)