Chiếc máy múc được ông Ninh Quang Vinh hi sinh để lực lượng chức năng đẩy xuống sông Cầu Chày cứu đê đang thủng - Ảnh cắt từ clip
Những ngày qua, thông tin và hình ảnh đoạn video clip ghi lại cảnh người dân huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho đẩy 1 chiếc máy múc trị giá hàng trăm triệu đồng xuống dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy để cứu đê khỏi vỡ trong trận lũ lịch sử vừa qua được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Ai cũng cảm kích trước hành động hi sinh tài sản riêng để cứu hàng ngàn người dân phía sau con đê có nguy cơ vỡ.
Theo hình ảnh ghi lại, sự việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng ngày 12-10, tại tuyến đê sông Cầu Chày, thuộc địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm trên, đê rạn nứt và thủng một lỗ rất lớn. Ban đầu chỉ vài mét, sau đó nhanh chóng mở rộng, uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng ngàn người dân ở 6 xã phía trong đê.
Mặc dù lực lượng chức năng đã huy động hơn 400 nhân lực cùng hàng trăm người dân nỗ lực "vá đê" nhưng đều bất thành. Sau đó, một chiếc máy múc đã được đẩy xuống dòng nước lũ, giúp hàn gắn đoạn đê thủng đang ngày một lan rộng.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết đó là hình ảnh trên địa bàn huyện. Thời điểm trên, lưc lượng hộ đê Cầu Chày đã huy động xe ô tô đổ đất, đá, cọc tre, luồng, rọ sắt để ngăn nước lũ phá đê, tuy nhiên nước đã cuốn phăng tất cả.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (mặc áo phao), chỉ đạo đẩy máy múc xuống sông vá đê đang thủng
"Trước tình hình trên, tôi đã điện báo cáo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền và đồng chí đã chỉ đạo đẩy 1 máy múc xuống dòng nước để cứu đê"-ông Hải cho biết.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết khoảng 3 giờ sáng ngày 12-10, ông nhận được tin báo thủng đê Cầu Chày nên đã tức tốc lên đường đến hiện trường. Ban đầu, đoạn bị thủng nước chảy rất mạnh và xiết nên đất đá cứ đổ xuống là bị nước cuốn trôi, mọi nỗ lực đều bất thành.
"Trước tình huống vô cùng nguy cấp, nếu không nhanh chóng xử lý, đê vỡ lan rộng thì hàng ngàn người dân, tài sản sẽ bị đe dọa trực tiếp nên tôi bàn với lãnh đạo huyện và Công ty Miền Tây đẩy ngay một máy múc hoặc 1 ô tô tải cỡ lớn chất đầy đá vào. Do có gầu dài cắm xuống trước vị trí đê bị thủng nên tôi quyết định đẩy 1 máy múc vào vá vết thủng của đê. Nhờ xử lý kịp thời nên dòng nước đã được chặn lại. Sau đó cho tấm chắn bằng sắt ngăn và thả rọ đá, bao tải cát xuống nên đê đã được xử lý an toàn"-ông Quyền nói.
Đê sau đó đã được lực lượng chức năng xử lý, vá thành công
Ông Ninh Quang Vinh - Giám đốc Công ty Miền Tây, người đã hi sinh chiếc máy cẩu của mình để cứu đê Cầu Chày - cho biết: "Lúc đó tình thế rất nguy cấp, trong đầu tôi chỉ nghĩ bằng mọi giá phải vá cho bằng được chỗ thủng của đê nhằm tránh một thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra. Để cứu đê, lúc đó bỏ 2 hoặc 3 cái máy múc, ô tô xuống cứu đê tôi cũng sẵn sàng".
Nhờ có sự quyết đoán trong chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, và sự hi sinh của cải vật chất riêng của ông Ninh Quanh Vinh, đến 9 giờ sáng ngày 12-10, sự cố thủng đê sông Cầu Chày đã được khống chế.
Sau sự cố này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định nâng cấp, sửa chữa lại toàn bộ tuyến đê sông Cầu Chày, đoạn qua huyện Thọ Xuân.
Sẽ thưởng cho các lực lượng tham gia cứu đê
Ông Nguyễn Đức Quyền cho biết tới đây UBND tỉnh sẽ tặng thưởng đột xuất cho các lực lượng tham gia cứu đê, trong đó có Công ty Miền Tây, Công ty Tiến Đạt là những đơn vị đã có những đóng góp vô cùng to lớn cùng với chính quyền khắc phục được sự cố thủng đê Cầu Chày.
Bình luận (0)