Sau gần 2 năm chống đỡ dịch Covid-19, đến nay, vấn đề mà chúng ta quan tâm hàng đầu là chăm lo sức khỏe nhân dân, thích nghi với diễn biến dịch bệnh để ổn định xã hội, vực dậy nền kinh tế. Vậy, Chính phủ và chính quyền TP HCM làm gì để người dân ứng phó với dịch Covid-19, an tâm tham gia các hoạch định kinh tế - xã hội, tạo sức bật cho thành phố phát triển?
Thích ứng với dịch bệnh
Giải pháp đặt ra là chúng ta kiên quyết không để ngành y tế thiếu tiền, sớm sản xuất thuốc điều trị Covid-19, nhanh mở rộng mạng lưới y tế, nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm… điều trị Covid-19, không để các đầu việc này bị cản trở bởi bất cứ quy định nào. Bởi lẽ, tháng 7-2021, Nghị quyết 30 của Quốc hội đã cho phép Chính phủ nhanh chóng hành động khi đất nước rơi vào tình trạng khẩn cấp.
Hiện tại, nước ta đã có 10 doanh nghiệp (DN) nhận chuyển giao công nghệ và đang chờ các cơ quan thẩm quyền cấp phép sản xuất. Như thế, với nguồn thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước, người mắc bệnh (F0) có thể kịp thời đến nhà thuốc mua để điều trị, không còn phải chờ đợi nhà nước cấp phát như thời gian qua.
Mặt khác, việc mở rộng mạng lưới y tế điều trị Covid-19 cần có thêm nhiều đóng góp từ phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Theo đó, TP HCM có thể nghĩ ra cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhân lực, đầu tư hệ thống cơ sở y tế cấp xã, phường lẫn việc thành lập cơ sở điều trị F0 tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Về chất lượng cuộc sống người dân, chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, TP HCM sớm đưa vào sử dụng dự án chống ngập nước trị giá 10.000 tỉ đồng, ưu tiên đầu tư các dự án nạo vét kênh rạch, hệ thống giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng chống kẹt xe, di dời các nhà máy từ khu vực nội thành ra vùng ven, giải tỏa và xây dựng lại chung cư cũ, các con đường ven sông, ven kênh rạch nhằm hình thành cảnh quan đô thị sạch - đẹp, bảo đảm môi trường trong lành, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển.
Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Để thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển, chúng ta ưu tiên hỗ trợ nhóm DN tư nhân. Bởi hiện nay, nhóm này chiếm tới 70% vốn đầu tư xã hội và chiếm 60% GRDP của thành phố.
Như thế, việc cần làm ngay là thành phố sớm tạo điều kiện cho DN tiếp cận nhiều nguồn lực; nhất là về vốn, đất đai, chính sách kích cầu đầu tư, các gói hỗ trợ của Chính phủ, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa…
Riêng nhóm DN nước ngoài (FDI), TP HCM tập trung thu hút các DN công nghệ cao, kết nối với DN trong nước nhằm tái cơ cấu các đơn vị này phù hợp xu hướng phát triển kinh tế số, giảm thâm dụng lao động. Còn các DN nhà nước thì tiếp tục rà soát, lên kế hoạch cổ phần hóa để có nguồn tiền đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời sớm thành lập Ban Quản lý vốn nhà nước TP HCM để giám sát và phát huy nguồn vốn này hiệu quả.
Một trong những động lực để kinh tế TP HCM tăng trưởng nhanh là đầu tư công. Thế nhưng gần đây, việc giải ngân vốn đầu tư công còn quá chậm, cản trở đà tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần phát huy vai trò của tổ công tác tháo gỡ, làm việc với các bộ - ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ.
Thực tế cho thấy nguồn vốn đầu tư công dự kiến từ năm 2021-2025 trên cả nước là 2,87 triệu tỉ đồng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ phát triển đường vành đai cho khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, TP HCM sớm tranh thủ nguồn lực này để tăng thêm động lực phát triển.
Nên công khai tài sản và đất công
Theo quyết định của Chính phủ, vốn đầu tư công của TP HCM giai đoạn 2021-2025 là 142.557 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây, thành phố đã trình Chính phủ phương án cân đối nguồn thu để nâng vốn đầu tư công trên địa bàn lên khoảng 262.000 tỉ đồng nhằm phát triển nhiều dự án kinh tế - xã hội.
Vấn đề còn lại là TP HCM huy động nguồn lực tài chính từ đâu? Theo tôi, chúng ta phải khai thác hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP HCM về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước… Nghĩa là thành phố tập trung khai thác nguồn thu từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, cổ phần hóa DN nhà nước, đặc biệt là nguồn thu từ đấu giá đất và tài sản công…
Cụ thể, TP HCM cần rà soát, kê biên tài sản công, đất công do thành phố quản lý, các tài sản công do cơ quan trung ương trú đóng trên địa bàn thành phố quản lý. Các loại tài sản này nên công khai rộng rãi để MTTQ Việt Nam, báo chí, các cơ quan, đoàn thể và toàn thể nhân nhân giám sát. Tài sản nào không còn sử dụng thì tổ chức đấu giá với mức hợp lý để tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Mặt khác, TP HCM cần mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất mà Quốc hội vừa công bố. Khi đó, giá đất trên thị trường sẽ tăng, có lợi cho người dân. Thành phố sẽ tăng thu thuế, giúp tăng nguồn thu ngân sách.
TP HCM nếu thực hiện rốt ráo các vấn đề trên thì nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng thêm rất nhiều. Khi đó, thành phố sẽ giải quyết được tất cả điểm nghẽn của nhiều dự án đầu tư kinh tế - xã hội, tiếp tục đầu tư triển khai dự án hạ tầng mới. Các dự án này sẽ tạo ra các khu đất "vàng" để thành phố tổ chức đấu giá, tăng thêm nguồn lực tài chính để tiếp tục nuôi dưỡng các dự án cơ sở hạ tầng khác, thúc đẩy thành phố phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới.
Bình luận (0)