Vụ TNGT liên hoàn giữa 10 ô tô trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vào chiều 3-4 rất may không có người tử vong. Những vụ tai nạn trên đường cao tốc, nhất là với nhiều phương tiện va chạm nhau khi chạy với tốc độ lớn, thường dẫn tới hậu quả thảm khốc.
Trước vụ tai nạn trên không lâu, dư luận cũng chấn động bởi vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khi xe khách đang chạy tốc độ cao tông vào xe cứu hỏa chạy ngược chiều. Không may mắn như vụ tai nạn trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, vụ xe khách tông xe chữa cháy khiến 1 cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người khác bị thương.
TNGT trên đường cao tốc thực sự là mối lo lắng của rất nhiều người khi tham gia trên những tuyến đường giao thông hiện đại này ở nước ta. Điều đáng lo hơn là do ý thức, nhận thức của con người đang không theo kịp tốc độ hiện đại hóa của hạ tầng giao thông.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chiều 3-4 được cho là do người dân đốt đồng gây khói dày đặc che khuất tầm nhìn của các tài xế. Những nông dân khi đốt đồng liệu có nhận thức được rằng khói bốc lên từ việc đốt đồng của họ nguy hiểm thế nào đối với các phượng tiện đang chạy với tốc độ cao khi tài xế bị che khuất tầm nhìn?
Trong khi đó, với vụ xe chữa cháy tông xe khách, cũng có những ý kiến cho rằng việc một phương tiện khác đột ngột chạy ngược chiều vào cao tốc là rất nguy hiểm. Tất nhiên, xe chữa cháy có quyền lưu thông trên mọi tuyến đường nhưng việc đột ngột chạy ngược chiều vào đường cao tốc luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Cùng với ý thức và nhận thức của người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia trên cao tốc, nguyên tắc và quy trình vận hành loại hình giao thông đường bộ này cũng rất quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn giao thông. Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), đơn vị quản lý và vận hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cho biết họ đã cảnh báo tài xế ngay khi xảy ra sự cố. Vậy vì sao tai nạn liên hoàn vẫn xảy ra? Do tài xế phớt lờ cảnh báo hay sự cảnh báo chưa đủ mức để cảnh tỉnh tài xế? Rõ ràng, từ vụ tai nạn liên hoàn này phải xem lại cách thức và hiệu quả cảnh báo khi có sự cố xảy ra trên cao tốc.
Với vụ tai nạn giữa xe khách và xe chữa cháy cũng cần đặt ra vấn đề là khi một phương tiện có quyền ưu tiên chạy ngược chiều trên cao tốc cần có thông báo gì tới đơn vị vận hành và đơn vị này có cách thức gì để cảnh báo người điều khiển phương tiện đang chạy với tốc độ cao; đặc biệt có cần quy định gì khác với việc lưu thông trên các tuyến đường bình thường.
Đường cao tốc là một loại hình giao thông đường bộ hiện đại nhưng để đi lại an toàn thì cần có những quy định và "kịch bản" ứng phó hiện đại tương ứng. Nhận thức và quy trình nếu không theo kịp, nguy cơ tai nạn luôn là một ẩn họa lớn.
Bình luận (0)