Tết cổ truyền dân tộc, trong khi mọi người sum họp bên gia đình thì lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông (Quảng Trị) vẫn túc trực ở các chòi canh lửa để giữ rừng. Thiếu vắng họ, nguy cơ xảy ra cháy rừng hay rừng bị xâm phạm trong dịp tết rất dễ xảy ra.
Tết rừng một đêm
Ngay cuối năm, anh Đinh Thái Bình- Trưởng trạm bảo vệ rừng Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) đã "a-lô" rủ tôi vào rừng… ăn tết. Khi thấy tôi có phần do dự, anh "khiêu khích": "Tụi anh năm nào cũng đón giao thừa, ăn tết ở giữa rừng. Riêng anh tính đến nay có lẽ gần hai chục năm rồi. Chú tết rừng một đêm thôi, mà cũng nhớ nhà à". Anh Bình nói vậy, thế nhưng đêm 30 lại "ái chà, vô thiệt à" khi thấy tôi… chìa tay bắt tay anh.
Canh rừng ngày Tết
Trạm bảo vệ rừng Hướng Phùng nằm cách biệt giữa rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông với 12 cán bộ bảo vệ, quản lý 7.500 ha rừng. Lâm phần quản lý nằm trên địa bàn các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Thành, Hướng Sơn… của huyện miền núi Hướng Hóa. Những ngày cận tết, tiết trời ở huyện miền núi này nắng ráo, khô hanh nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Vì thế, theo nhiệm vụ được giao, những cán bộ giữ rừng Trạm Hướng Phùng phải có mặt 24/24 giờ ở các chòi canh lửa, dõi mắt theo những cánh rừng.
23 giờ 20 phút đêm giao thừa, các cán bộ bảo vệ rừng từ 4 chòi canh lửa tạm gác lại công việc, tập trung về Trạm Hướng Phùng. Mỗi người một tay sắp đặt lại mâm cúng giao thừa mà lễ vật là bánh trái đơn sơ và một lọ hoa rừng đã chuẩn bị sẵn. Đồng hồ chỉ 23 giờ 50 phút cũng là lúc anh Đinh Thái Bình thay mặt anh em bảo vệ rừng thành kính nâng mâm lễ vật lên chiếc bàn nhỏ đặt giữa bốn bề núi rừng.
Những cán bộ bảo vệ rừng Trạm Hướng Phùng đốt lửa sưởi ấm dưới chòi canh lửa trong đêm giao thừa
"Giao thừa, giao thừa rồi!", tiếng một cán bộ trẻ bảo vệ rừng reo lên đầy hân hoan, sung sướng. Liền đó, nén hương thơm được thắp lên tỏa ra từng sợi khói lam mỏng manh, trong phút chốc đã quyện hòa cùng sương trời, khí núi. Những người giữ rừng đứng thành 2 hàng ngang, lần lượt thắp nén hương đầu năm cùng lời nguyện cầu thành kính.
Trên đường tuần rừng
Cuộc "họp mặt" trong thời khắc giao thừa của các cán bộ bảo vệ rừng Trạm Hướng Phùng diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ. Sau mâm cúng đầu năm cũng là lúc họ giã từ nhau để trở về chòi canh lửa nằm giữa bao la cây rừng. Trước khi đi, họ trao cho nhau những lời chúc mừng năm mới cùng cái bắt tay thật chặt.
Tâm tư người giữ rừng
Anh Đinh Thái Bình cho biết, ngay giữa tháng Chạp, các cán bộ bảo vệ rừng Trạm Hướng Phùng đã ngồi lại với nhau để sắp xếp, "chốt" lịch trực trong ngày tết. "Nói đúng hơn đó là một cuộc họp của trạm. Nhưng khác cái là, trong cuộc họp không có chuyện phân công hay bắt buộc trực ngày ni, ngày tê mà anh em đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Trong đó, ưu tiên ngày 30, mùng 1 tết cho những anh em có con nhỏ, gia đình ở xa"- anh Bình bộc bạch.
Trên xe máy của cán bộ bảo vệ rừng Trạm Hướng Phùng đều có máy thổi lửa
18 năm gắn bó với nghề giữ rừng cũng là chừng ấy thời gian anh đón tết giữa rừng. Trong dịp tết này, anh Bình cùng một số cán bộ giữ rừng khác "đăng ký" trực ngày 30 và mồng 1 vì lý do… con cái đã lớn và nhà gần hơn các anh em khác. "Mình là trạm trưởng nên phải gương mẫu, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho anh em"- anh Bình nói ngắn gọn.
Anh Phan Điệp (quê ở huyện Cam Lộ) có "thâm niên" ăn tết ở rừng hơn chục năm nay. Gặp tôi ở chòi canh lửa "dã chiến" nằm chơ vơ trên đỉnh Cu Vơ, anh tâm sự rằng nếu có mặt ở nhà vào thời khắc giao thừa này, chắc chắn sẽ cùng cha mẹ dọn lễ vật dâng cúng trời đất, tổ tiên, cầu mong năm mới an lành.
Phút nghỉ ngơi, ăn quà tết lót dạ trong chòi canh lửa "dã chiến"
Chục năm theo nghề "ngăn chặn các dấu hiệu làm tổn vong đến rừng", anh Điệp ngẫm nghề này như đã ăn sâu vào tiềm thức của mình. Chẳng thế mà vài ngày trước, mùi đốt vàng mã từ nhà hàng xóm bay sang mà anh Điệp tưởng như rừng bị cháy thế là bật mình dậy chạy đi tìm… áo quần bảo hộ và máy thổi lửa. "Phải một lúc sau khi tỉnh ngủ, mới biết là đang nghỉ phép ở nhà"- anh Điệp thẹn kể.
Anh Nguyễn Viết Lanh, quê ở miệt biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), vừa nhận công tác hơn một tháng nay ở Trạm Hướng Phùng. Hai năm trước, anh Lanh tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên rừng (trường Đại học Nông lâm Huế) nhưng không có việc làm nên ở nhà theo chân cha… đi biển. Cuối năm 2018 vừa qua, anh Lanh nộp hồ sơ dự tuyển viên chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị và trúng tuyển vào công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông.
Đây là cái tết đầu tiên anh Lanh ăn tết trong rừng. Anh Lanh tâm sự, bản thân có quá nhiều cảm xúc trong thời khắc giao thừa, chào đón năm mới. "Từ nhỏ đến lớn em đều đón giao thừa, ăn tết ở nhà cùng cha mẹ. Năm nay, ăn tết ở giữa rừng thú thật em nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết. Ngồi ở chòi canh lửa cứ nghĩ rằng không biết cha mẹ ở nhà đón giao thừa, ăn tết ra sao? Dù buồn lắm, nhưng đây là công việc em đã chọn, đã yêu thích nên sẽ cố gắng vượt qua"- anh Lanh rắn giọng.
Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đak rông cho biết, đơn vị quản lý trên 26.000 ha rừng và đất lâm nghiệp ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong những ngày tết, để động viên tinh thần anh em giữ rừng, lãnh đạo Ban sẽ trực tiếp đến từng trạm bảo vệ rừng thăm hỏi, chúc mừng năm mới để anh em bớt tủi thân.
Bình luận (0)