Cận Tết Nguyên đán 2019, theo chân anh Hồ Văn Lữ (47 tuổi, trú tại thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) vào rừng để tìm các loại sâm núi, mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả cũng như trăn trở của những người sống dựa vào rừng trong ngày cận Tết.
Anh Hồ Văn Lữ đang đào một gốc sâm dây trong rừng
Sau khi cuốc bộ qua những triền đồi vừa thu hoạch xong vụ sắn cuối năm, chúng tôi tiếp cận cửa rừng. Dù có lối mòn nhưng anh Lữ khẳng định cứ theo lối mòn dẫn vào rừng đó mà tìm sâm núi thì chắc chắn sẽ về tay trắng. "Mình phải tự mở lối đi mới trong rừng, luồn lách ở nơi chưa ai đặt chân qua mới có sâm núi. Chứ đi theo đường mòn, có cây sâm núi nào thì người ta lấy hết rồi"- anh Lữ giải thích.
Một bó sâm cau như thế này được bán với giá 50.000 đồng
Theo anh Lữ, sâm núi là tên gọi chung của các loại rễ, cây mọc trên rừng, như: sâm cau, sâm dây, hà thủ ô; rễ cây huyết chó, bổ máu… Các loại sâm núi này ngâm rượu uống có thể chữa được một số bệnh và tốt cho sức khỏe. Vài năm trước, sâm núi mọc nhiều trong rừng nhưng nay tìm rất khó, bởi có nhiều người đi săn lùng. Trung bình một ngày, mỗi người dân vào rừng chỉ tìm được từ 2-5 kg sâm núi các loại, với thu nhập khoảng 100.000-200.000 đồng/ngày.
Người dân thôn Vùng Kho bày bán các loại sâm núi bên Quốc lộ 9
Hơn giờ đồng hồ len lỏi trong rừng, tuy nhiên anh Lữ chỉ tìm thấy vài cây sâm dây, sâm cau và rễ bổ máu. Ở mỗi gốc sâm núi tìm thấy, anh đều đào lớp đất mặt xung quanh, rồi dùng dao cẩn thận cắt lấy phần rễ, củ của cây. Anh Lữ cho hay, sở dĩ phải cẩn thận như vậy là bởi khi lấy rễ, củ sâm núi phải làm sao cho cây vẫn sống, để năm sau còn quay lại lấy tiếp.
Việc đi tìm, bán sâm núi chủ yếu do phụ nữ ở thôn Vùng Kho tiến hành
Trong khi tìm sâm núi trong rừng, chúng tôi gặp nhiều chị em phụ nữ thôn Vùng Kho với a-chói sâm núi trên vai. Khuôn mặt ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, áo quần lấm lem bụi đất. Chị Hồ Thị Mai (23 tuổi, trú thôn Vùng Kho) cho hay, năm nào cũng vậy cứ đến dịp cận Tết, nhiều chị em thôn Vùng Kho lại vào rừng tìm sâm núi kiếm tiền mua sắm quần áo, giày dép cho con. Đàn ông thì đi rừng riêng lẻ, nhưng phụ nữ Vùng Kho lại đi từng tốp từ 3-5 người để tiện giúp đỡ, tương trợ cho nhau khi mưu sinh trong rừng.
Khách đi đường dừng chân mua sâm núi về ngâm rượu
"Sau khi kiếm được sâm núi, chúng tôi sẽ mang ra Quốc lộ 9 để bày bán cho người đi đường. Có khi bán được 50.000 đồng, lúc 100.000 đồng, nhưng có thu nhập trang trải sắm Tết ai cũng ấm lòng"- đưa tay quệt giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, chị Mai cười vui.
Bình luận (0)