Hành vi không mới: Lập khống bệnh án để BHYT thanh toán, sau đó rút tiền. Quả là đơn giản và dễ dàng dù các địa phương và bệnh viện luôn có một đội ngũ giám sát BHYT túc trực. Nỗi bức xúc về trục lợi BHYT gần như được dấy lên thường xuyên. Cơ quan BHXH cảnh báo, người bệnh lao đao, cơ quan chức năng răn đe… nhưng tình trạng trục lợi BHYT vẫn không giảm, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Tháng 12-2020, Thanh tra TP HCM đã công bố kết luận hàng loạt sai phạm tại 5 bệnh viện lớn về đấu thầu, thanh toán BHYT lên đến cả trăm tỉ đồng. Còn ở các địa phương khác cũng liên tục phát hiện hành vi trục lợi BHYT.
Từ đầu năm 2020 đến nay, số tiền chi trả từ quỹ BHYT đã lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên - như thừa nhận của một lãnh đạo BHYT - nạn gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngày càng phức tạp, tinh vi, gây tổn hại cho quỹ cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT.
Nguyên tắc của BHYT là đồng chia sẻ. Khi nguồn quỹ này được quản lý tốt, mức bảo tồn cao thì sẽ mở rộng danh mục khám chữa bệnh được thanh toán, nâng chất lượng phục vụ, đưa vào các kỹ thuật cao, chữa trị các bệnh nan y kể cả ung thư… Vì vậy, nguồn quỹ này bị rút ruột thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí bị thu hẹp thì cơ hội khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là người nghèo càng nhỏ đi. Nói cách khác, rút ruột quỹ BHYT chính là "ăn" trên sức khỏe của người bệnh.
Nói không ngoa, nguồn quỹ BHYT trong thời gian qua đã trở thành phao cứu sinh của rất nhiều người. Quan trọng hơn, nguồn quỹ này đã thay đổi toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ cơ chế cá nhân tự chi trả khi bệnh hoạn đến cơ chế cùng chia sẻ rủi ro thông qua nguồn quỹ chung, đóng góp lúc khỏe mạnh để phòng khi bất trắc… là cả một quãng thời gian dài nỗ lực của các nhà hoạch định quốc gia để chính sách ưu việt đi vào cuộc sống. Đến nay cả nước có khoảng 87 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 90,1% dân số. Con số này đã gần đến đích là BHYT toàn dân - có nghĩa mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ BHYT.
Nhưng đây chỉ là thành công ban đầu, bởi mở rộng nhanh thì mức đóng thấp nên mức chi trả cũng sẽ thấp. Phía trước còn những mục tiêu lớn lao hơn: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, "phủ sóng" bác sĩ đến từng gia đình, nâng cao thể trạng người dân và thoát ra bằng được một nền y tế giá rẻ. Nhưng dù là ở cấp độ nào, thì nguồn quỹ này cũng là của chính những người tham gia nên cần sự minh bạch và giám sát chặt chẽ từng đồng từ cơ sở y tế cấp thấp nhất cho đến bệnh viện hiện đại nhất. Bộ máy quản lý nguồn quỹ phải chuyên nghiệp và tinh gọn, giảm tối đa chi phí gián tiếp để qua đó nâng mức thực trả cho người tham gia.
BHYT - đúng như tên gọi là sự chung tay chăm lo sức khỏe khi ốm đau. Và hơn nữa, sự chung tay này mang ý nghĩa sẻ chia với cộng đồng và cả những người yếu thế.
Bình luận (0)