Ngày 21-2, ngày làm việc đầu tiên sau một thời gian nghỉ Tết, Bệnh viện (BV) Mắt Huế (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tấp nập bệnh nhân đến khám và điều trị. Tiếng bệnh nhi nô đùa ở khu vui chơi đầy đủ cầu trượt, xích đu khiến khách đến BV cũng thấy vui lây.
Bác sĩ đầu tiên được vinh danh
Cuộc họp đầu Xuân với toàn bộ cán bộ, y - bác sĩ (BS) vừa kết thúc, BS Phạm Minh Trường, Giám đốc BV Mắt Huế, tức tốc đến phòng khám bệnh để kiểm tra, chỉ đạo việc khám chữa bệnh. Tiếp đó, ông ghé Khoa Lác - Nhãn nhi - Nhãn thần kinh để thăm khám cho các bệnh nhi. Tại đây, hàng chục trẻ em từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và các tỉnh Tây Nguyên đang đợi khám. Nhẹ nhàng thăm hỏi người bệnh, hướng dẫn cách ngồi, ông kỹ càng khám cho từng bệnh nhân.
"Cháu hay xem tivi, chơi game, từ nhỏ mắt đã bị lác (lé), bệnh tình của cháu có chữa khỏi không bác?" - một người mẹ dẫn con đến khám, hỏi ông đầy lo lắng. "Bệnh này là do bẩm sinh hoặc tư thế nhìn sai nên mắt bị lệch. Cháu đang bị nhẹ và cần chữa trị sớm, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa. Trường hợp của cháu chị cứ yên tâm, chúng tôi có đủ khả năng chữa khỏi" - BS Trường trấn an.
Suốt buổi sáng, ngoài khám bệnh, ông còn tận tình giải thích những câu hỏi về bệnh lý mà các bậc cha mẹ lo lắng. "Đôi khi thời gian khám còn ít hơn thời gian để giải thích bệnh tình cho người bệnh. Đó là điều dễ hiểu bởi tâm lý ai cũng lo lắng" - ông Trường nói.
Bác sĩ Phạm Minh Trường khám bệnh cho trẻ
BS chuyên khoa II về nhãn khoa Phạm Minh Trường vừa được Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới (IAPB), trao tặng giải thưởng Anh hùng trong phòng chống mù lòa vào tháng 9-2017. Đây là giải thưởng do IAPB trao hằng năm nhằm ghi nhận và vinh danh những cá nhân đã có đóng góp lớn, tạo ra những khác biệt thực sự trong việc khôi phục thị lực, phòng chống mù lòa.
Năm 2017 có tổng cộng 15 người trên thế giới được IAPB vinh danh. BS Phạm Minh Trường là người đầu tiên đang làm việc trong BV công lập Việt Nam được nhận giải thưởng này. Phần thưởng này ghi nhận công sức của ông trong việc xây dựng hệ thống BV chuyên khoa về mắt ngang tầm với các BV khác ở Hà Nội, TP HCM; sự hoàn chỉnh trong mạng lưới phát hiện, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tròn 30 năm theo chuyên ngành nhãn khoa, hàng ngàn bệnh nhân ở các tỉnh miền Trung và nước bạn Lào đã được ông chữa trị khỏi bệnh mù lòa. BS Trường tâm sự nghiệp nhãn khoa như một cơ duyên đối với ông. "Năm 1988, sau khi tốt nghiệp y khoa Huế với chuyên ngành ngoại khoa, tôi về công tác tại Trạm Mắt tỉnh Thừa Thiên - Huế, thấy niềm vui của những bệnh nhân sau khi được phẫu thuật sáng mắt nên tôi quyết định ra Hà Nội học chuyên ngành nhãn khoa" - ông kể.
Tốt nghiệp, ông trở về công tác tại cơ quan cũ. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, BS Trường ngày ngày đạp xe cùng đồng nghiệp về nông thôn để khám bệnh mắt cho người dân. Thời kỳ đó, phòng mổ là những căn phòng chật hẹp tại các trạm y tế xã được ông tận dụng để chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân bị bệnh đục thủy tinh thể.
Ông kể năm 2005, khi BV Mắt Huế vừa thành lập, cơ sở vật chất khá nghèo nàn, trình độ y - BS chưa cao nên gặp khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, trẻ em khu vực miền Trung bị bệnh phải tìm đến các BV chuyên khoa mắt ở Hà Nội, TP HCM chữa trị nên khá tốn kém. "Nhiều dự án điều trị bệnh cho trẻ em do các tổ chức phi chính phủ tài trợ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Đó là một thiệt thòi cho người dân miền Trung" - ông nhớ lại.
Thế rồi, ông cùng một vài cán bộ ngành y tế tỉnh lặn lội ra Hà Nội, tìm gặp đại diện Orbis - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có uy tín trong việc phòng chống mù lòa cho người dân - trình bày "hoàn cảnh" xin dự án giúp đỡ trẻ em miền Trung. Từ những lời tâm huyết của ông, Orbis đã đồng ý tài trợ dự án trang bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để phục vụ điều trị các bệnh về mắt cho trẻ khu vực miền Trung.
Xây dựng BV thân thiện
Sau 12 năm, Orbis tài trợ xây dựng trung tâm điều trị bệnh nhi tại BV, BS Trường đã xây dựng được hệ thống khám sàng lọc, chuyển tuyến khắp miền Trung. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mạng lưới này được xây dựng về tận cấp xã, còn đối với các địa phương khác thì BV cấp tỉnh là đầu mối tiếp nhận và chuyển tuyến.
"Các bệnh nhân sau khi được khám ở tuyến tỉnh, chúng tôi sẽ cử BS về trực tiếp sàng lọc để đưa ra quyết định điều trị. Trung bình mỗi năm, chúng tôi khám cho 10.000-15.000 bệnh nhi, trong đó gần 200 trường hợp được mổ. Các bệnh nhi thuộc khu vực miền Trung được miễn hoàn toàn viện phí, trong khi chất lượng điều trị bằng các BV lớn trên cả nước nên giảm chi phí cho người dân rất nhiều" - ông Trường khẳng định.
Hiện nay, BV Mắt Huế là một trong những đơn vị chuyên khoa về mắt hàng đầu của cả nước. Hằng năm, BV này khám hơn 50.000 lượt, điều trị nội trú và phẫu thuật khoảng 5.000 bệnh nhân; trong đó nhiều trường hợp khó phải áp dụng kỹ thuật cao như cắt dịch, mổ bán phần sau… Điều thành công nhất đối với ông và BV Mắt Huế là xây dựng được trung tâm điều trị cho bệnh nhân khu vực miền Trung.
Ông chia sẻ mô hình này chỉ áp dụng đối với địa phương có trên 10 triệu dân vì kinh phí đầu tư lớn, hiệu quả công việc phải cao. Vì vậy, để thành lập được trung tâm, cần liên kết cả một khu vực miền Trung, tạo mạng lưới liên kết từ nhiều địa phương. Các BS về bệnh mắt trẻ em của BV sau khi được đào tạo trong nước còn được đưa sang nước ngoài để học chuyên sâu, học hỏi từ các chuyên gia thế giới.
Chia sẻ dự định trong những năm tới, BS Phạm Minh Trường cho biết sẽ cố gắng xây dựng BV Mắt Huế theo 2 hướng. Đó là tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín điều trị, ngày càng thân thiện với bệnh nhân để BV đứng vững với cơ chế tự chủ. Bên cạnh đó là phát triển chuyên sâu về các lĩnh vực điều trị mắt như thẩm mỹ tạo hình, chữa trị bệnh đáy mắt cho bệnh nhân đái tháo đường.
"Chúng tôi đã làm chủ được kỹ thuật, các trang thiết bị hiện đại về điều trị cho bệnh nhi. Đối với BV, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, thay đổi thái độ phục vụ để bệnh nhân yên tâm khi đến điều trị" - BS Phạm Minh Trường tâm sự.
Kỳ tới: Bác sĩ bỏ thủ đô lên miền núi
Bình luận (0)