Hội đồng Khoa học tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotech) vừa trao giải ba về lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (không có giải nhất, giải nhì) cho phần mềm quản lý y tế trực tuyến của tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều lúc muốn bỏ cuộc
Năm 2014, từ thực tế ứng dụng khoa học công nghệ tại các trạm y tế xã, phường chưa được quan tâm dẫn đến số liệu báo cáo không đồng nhất, không có công cụ dự báo để khoanh vùng dịch bệnh, việc xử lý số liệu báo cáo thủ công mất nhiều thời gian, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất xây dựng đề tài "Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk" (viết tắt MMS.NET). Đề tài do bác sĩ (BS) CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế, làm chủ nhiệm.
Phần mềm quản lý y tế giúp nhân viên y tế tiết kiệm được nhiều thời gian làm sổ sách
Hội đồng Khoa học tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt đề tài vào tháng 10-2014 với phạm vi thí điểm tại 3 trạm y tế xã, phường. Hơn 2 năm sau, Hội đồng Khoa học tỉnh Đắk Lắk đã nghiệm thu và đề nghị chuyển giao công nghệ, nhân rộng ứng dụng. Sau khi đề tài được nghiệm thu, nhóm tác giả đã tiếp tục hoàn thiện phần mềm nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý khám chữa bệnh và phát triển ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, nâng cao tính tiện ích và chất lượng sản phẩm.
Việc áp dụng phần mềm quản lý y tế giúp nhân viên y tế xã, phường có thêm thời gian, điều kiện cho hoạt động chuyên môn
Đến nay, MMS.NET đã tích hợp hoàn thiện 2 phiên bản là MMS-TYT.NET dùng cho trạm y tế và MMS-HPS.NET dùng cho bệnh viện tuyến huyện với các tính năng: Quản lý danh mục dữ liệu, kho dược phẩm, gói khám, điều trị nội trú và cấp cứu bệnh, cận lâm sàng và thăm dò chức năng, hồ sơ bệnh án, bệnh án điện tử, kế toán viện phí, liên thông cổng giám định thanh toán BHYT, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh toàn quốc... Phần mềm đã được nhân rộng ra 29 trạm y tế và 3 bệnh viện đa khoa. Đồng thời nhóm tác giả chuẩn bị ra mắt phiên bản MMS.NET-HL7-MULTI-PAT tích hợp thêm các tiện ích chạy trên điện thoại di động, giúp cho điều dưỡng, y tá có thể cập nhật thông tin chăm sóc và điều trị bệnh nhân; giúp BS có thể duyệt lại y lệnh và phiếu lĩnh thuốc thông qua điện thoại, máy tính bảng.
Theo BS Doãn Hữu Long, nhóm tác giả nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Là lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, khối lượng công việc và áp lực rất lớn nên BS Long phải nghiên cứu ngoài giờ. Bên cạnh đó, dù nắm rõ quy trình nghiệp vụ quản lý nhưng khi mô tả lại cho đội ngũ phụ trách lĩnh vực lập trình thì họ không thể nắm bắt ngay 100% ý tưởng của BS Long nên phải dùng phương pháp thử, tốn nhiều thời gian để hoàn thiện ứng dụng.
BS Cao Minh Toàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk (đồng tác giả), cho biết phạm vi nghiên cứu ban đầu có giới hạn nhưng thực tế ứng dụng rộng hơn, đòi hỏi phải liên tục cập nhật và mở rộng phạm vi ứng dụng cho đến khi đạt được mục đích quản lý từ thực tiễn. Bên cạnh đó, kinh phí đề tài hạn chế, chỉ cho thí điểm 3 trạm y tế nhưng đã triển khai đến 29 trạm, do đó nhóm tác giả phải tự bù thêm kinh phí để hoàn thiện. Ngoài ra, văn bản dữ liệu của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thay đổi liên tục, việc cập nhật đúng tiến độ không phải việc dễ dàng.
Tiết kiệm hàng tỉ đồng
Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế xã Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột) tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân. Trước đây, tất cả hồ sơ bệnh án, chỉ định, đơn thuốc, sổ thuốc, sổ khám bệnh, tiêm chủng, phòng dịch… phải làm thủ công. Theo y sĩ Trần Thị Hoa, phó trạm trưởng, vất vả nhất là 12 cuốn sổ ghi chép về nghiệp vụ phải ngồi tra cứu và chép lại toàn bộ từ số liệu có được trong cả tháng. Sau đó, phải cộng lại và phân loại thủ công ra 10 báo cáo y tế để nộp về trung tâm y tế huyện. Chưa nói đến độ chính xác, việc sửa đi sửa lại gây mất thời gian, tốn kém mà số liệu có quá nhiều bản sao nhiều lúc không thể kiểm soát được. Về khâu khám chữa bệnh và dược phẩm, cuối tháng kết sổ, các nhân viên y tế làm cả tuần chưa xong bảng kê. Làm xong có sai sót lại điều chỉnh cho khớp với số liệu thanh quyết toán BHYT, khớp với số liệu tồn kho.
"Từ khi triển khai giải pháp phần mềm, nguồn số liệu được kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng, cán bộ chỉ cần lập hồ sơ theo quy trình khám chữa bệnh, việc tổng hợp báo cáo và kiểm tra số liệu chỉ thực hiện 5 phút là hoàn tất. Bệnh nhân vào khám bệnh chỉ cần đọc tên là tra cứu ra ngay, toàn bộ hồ sơ bệnh sử được lưu trữ trên máy và có thể truy xuất bất kỳ lúc nào" - y sĩ Hoa chia sẻ về tiện ích của phần mềm.
Tại Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk, BS Hoàng Nguyên Duy, giám đốc trung tâm, khẳng định với 1.200-1.500 bệnh nhân mỗi tháng, sau khi ứng dụng phần mềm, việc liên thông giám định thanh toán BHYT và dữ liệu khám chữa bệnh được cập nhật nhanh chóng, đúng tiến độ. Việc ứng dụng phần mềm quản lý đạt tiêu chuẩn và kịp thời đã giúp cơ quan có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân, giúp theo dõi tiền sử bệnh, nâng cao độ chính xác của kết quả chẩn đoán và điều trị, lưu trữ và phân tích số liệu một cách chính xác...
Về hiệu quả kinh tế của phần mềm này, BS Doãn Hữu Long khẳng định ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn với chi phí thấp đã tiết kiệm cho nguồn ngân sách địa phương nhiều tỉ đồng để mua bản quyền thương mại. Ước tính trong năm 2016-2017, riêng y tế xã, phường đã tiết kiệm hơn 6 tỉ đồng, chỉ mới tính riêng chi phí mua bản quyền và bảo trì sản phẩm cho việc liên thông thanh toán BHYT và liên thông kết quả khám chữa bệnh.
Kỳ tới: Anh hùng chống mù lòa
Cấp cứu kịp thời nhờ thiết bị kết nối
Hiện phần mềm quản lý y tế trực tuyến đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Sắp tới, nhóm tác giả sẽ nghiên cứu, tích hợp chức năng cảnh báo sức khỏe từ xa với khả năng kết nối các thiết bị cảnh báo như máy đo huyết áp, đồng hồ thông minh dựa vào các chỉ số sức khỏe để cảnh báo và gọi trực tiếp đến cán bộ y tế. Ví dụ một người có tiền sử đột quỵ, khi đeo trên tay chiếc đồng hồ hoặc máy đo huyết áp được tích hợp phần mềm thì khi xảy ra đột quỵ, cơ sở y tế sẽ nhận được cảnh báo và đưa phương tiện, BS tới nhà để can thiệp kịp thời.
Bình luận (0)