Mùa bão năm 2022 đã chính thức bắt đầu với sự xuất hiện của cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông vào đêm 28-6. Cơn áp thấp nhiệt đới đầu tiên của mùa bão đã thể hiện diễn biến phức tạp khi cơ quan dự báo quốc tế đưa ra dự báo cho hướng di chuyển rất rộng, có thể hướng đến Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc miền Trung Việt Nam. Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam dự báo khả năng cao áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc và có thể mạnh thành bão.
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 29-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 30-6, vị trí tâm bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,0 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 1-7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau có khả năng mạnh lên thành bão nên ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3 -5 m, biển động mạnh.
Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2 - 3 m, biển động.
Sáng 29-6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã họp giao ban ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức trực ban nghiệm túc theo Công điện số 16/CĐ-QG ngày 29-6. Ngoài ra, cần chú ý đến các cảnh báo, dự báo tham khảo các đài dự báo của khu vực vì diễn biến của áp thấp nhiệt đới sẽ còn biến động trong vài ngày tới vì vậy cần quan tâm đến việc thông báo tầu thuyền trên biển, liên tục cập nhật tình hình để có phương án chỉ đạo phù hợp.
Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Bình luận (0)