Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào tới các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế có mặt.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của giới doanh nghiệp quốc tế.
Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng cho hay quá trình 30 năm chuyển đổi kinh tế của Việt Nam mang ý nghĩa to lớn và được chuyển hóa thành những kết quả cụ thể, bao gồm GDP cao (trung bình 7%/năm trong những năm qua và ước đạt 6,5-7% giai đoạn 2016-2020), thu nhập bình quân đầu người tăng lên mức 6.800 USD/người/năm, hơn 10% dân số Việt Nam là tầng lớp trung lưu...
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang từng bước tham gia các chuỗi cung ứng của khu vực và mở rộng ra thế giới, từ đó mở ra các cơ hội đầu tư lớn nhờ vào tinh thần năng động, chủ động hội nhập kinh tế thế giới..
Thủ tướng cùng các khách mời tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) sáng 7-11
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, bìa trái); bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Philipp Rosler, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh những ưu thế của Việt Nam hiện nay, như có quy mô dân số lớn và trẻ, thu nhập đầu người tăng, thuộc số các nước hàng đầu thế giới về sử dụng điện thoại di động....Những đặc điểm này giúp Việt Nam dễ dàng kết nối với thế giới.
Theo Thủ tướng, sắp tới chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục các nhiệm vụ duy trì tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thuế để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời ủng hộ sáng tạo và khởi nghiệp... Tất cả là nhằm góp phần tạo ra động lực mới và tương lai chung cho khu vực, thúc đẩy khu vực phát triển hòa bình và năng động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Cắt bỏ 5.000 thủ tục hành chính
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được một số câu hỏi từ các đại biểu nước ngoài, với nội dung tập trung vào những thay đổi kinh tế, chính trị ở Việt Nam cũng như các giải pháp của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Thủ tướng cho hay trong năm 2017, Việt Nam hứng chịu nhiều thiên tai nhưng vẫn cố gắng đạt được các mục tiêu như tăng trưởng GDP 6,5%... Thủ tướng nhấn mạnh môi trường kinh doanh Việt Nam được nhiều tổ chức lớn đánh giá cao.
Theo Thủ tướng, thành công đầu tiên của Việt Nam là có tính ổn định chính trị cao và hòa bình. Về các giải pháp phát triển kinh doanh và thu hút đầu tư, Thủ tướng cho hay nước ta đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh trong năm 2017, Việt Nam đã cắt giảm được 5.000 thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.
Các đại biểu tham dự VBS
Sắp tới, theo Thủ tướng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, đồng thời tăng cường tích hợp vào thị trường toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC lần thứ hai là minh chứng cho tính năng động của nước ta.
Ba định hướng lớn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ba định hướng lớn trong bài phát biểu tại Hội nghị VBS.
Thứ nhất, tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Khát vọng vươn lên làm giầu chính là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế.
Chú trọng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp kết nối thành thị với nông thôn, miền núi, vùng xa khó khăn. Việt Nam chú trọng phát triển hệ thống y tế và giáo dục, nỗ lực giảm chênh lệch về thu nhập dân cư, đồng thời cải thiện mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo vệ tầng lớp người dân yếu thế dễ bị tổn thương trước các cú sốc tiêu cực.
Thứ hai, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTAs mà Việt Nam tham gia.
Tính năng động trong kinh tế, chính sách mở về Internet và sự thuận lợi về kinh doanh đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam.
Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD. Hiện tại thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ 20% và dự kiến sẽ giảm còn 15-17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài thuế suất cạnh tranh, Việt Nam còn áp dụng nhiều quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…
Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay. Đây là sáng kiến của Việt Nam và là sự kiện quốc tế quan trọng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Tham gia hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín, các học giả cùng 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp trong nước, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế.
Các chuyên đề thảo luận tập trung vào 6 nội dung chính, gồm: nông nghiệp thông minh; dịch vụ tài chính; y tế và giáo dục; kết cấu hạ tầng; du lịch và đặc khu kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Bình luận (0)