xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà nông dân 8X sành điệu

Bài và ảnh: MAI NAM THẮNG

Nhiều nông dân khen thạc sĩ Hoàng Thị Phương là tác giả của mô hình trồng hoa Lilium trên đất Hiệp Hòa và nhiều hộ nông dân đã nghe lời cô đưa vào canh tác diện rộng

Ngày đầu năm 2020, chúng tôi về huyện Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang, để tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là một "điểm sáng" về xây dựng nông thôn mới; trong khi tích cực chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng tỉ trọng sản xuất công nghiệp… vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chất lượng cao; bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Trồng khoai, mua ôtô

Kỹ sư Hoàng Tiến Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hiệp Hòa, thông báo đích thân đưa chúng tôi thâm nhập thực tế. Anh Hùng nói vui: "Nhà báo yên tâm! Không phải lão nông tri điền thuốc lào vặt đâu, mà là một "bà nông dân 8X" rất sành điệu!".

Trong lúc chờ "bà nông dân 8X", anh Hùng tranh thủ giới thiệu vắn tắt rằng nhân vật này nói thế chứ còn trẻ, lứa 8X thôi nhưng là thạc sĩ nông nghiệp rồi. Đấy là Hoàng Thị Phương, nguyên Phó trưởng Trạm Khuyến nông Hiệp Hòa và là Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Hiệp Hòa). Hùng hồ hởi khoe cô Phương này là tác giả chính của nhiều mô hình hoạt động sôi nổi, thiết thực của phong trào nông dân huyện Hiệp Hòa những năm gần đây, nhiều lần được LĐLĐ tỉnh rồi UBND tỉnh Bắc Giang và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng. Từ năm 2015 đến nay, Phương còn là đại biểu HĐND huyện và HĐND tỉnh Bắc Giang khóa 2016-2021.

Dù được thông tin như thế, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy Hoàng Thị Phương điệu nghệ cầm lái chiếc Toyota Vios 4 chỗ đến đón chúng tôi đi làm. Và thêm một bất ngờ nữa khi trên đường từ UBND huyện về các xã, tôi được biết chiếc ôtô chúng tôi đang đi là kết quả mấy vụ trồng khoai lang sạch của Hoàng Thị Phương.

Chuyện là, cuối năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, Phương theo chồng (cũng là đồng môn) về công tác trong ngành nông nghiệp huyện Hiệp Hòa. Lăn lộn với nông dân, thấy ở đây bà con có tập quán bỏ ruộng không trồng cây vụ đông, trong khi các nhà máy chế biến thực phẩm trong vùng lại đang thiếu nguyên liệu sản xuất, Phương vận động một số hộ nông dân và bạn bè thuê ruộng bỏ hoang vụ đông, ký kết hợp đồng cung ứng và bao tiêu sản phẩm với các nhà máy để sản xuất khoai lang trắng làm nguyên liệu.

Năm 2011, với quy mô 10 ha, "liên doanh" của Phương đã cung cấp cho các nhà máy 150 tấn nguyên liệu, lợi nhuận thu được khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động nông nhàn. Năm 2012, cô mạnh dạn mở rộng quy mô lên 30 ha, cung cấp cho các nhà máy gần 500 tấn nguyên liệu, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 150 lao động...

Cũng cái năm 2012 ấy, cách làm mới của Phương đã được bạn bè, đồng nghiệp các địa phương khác học tập, làm theo và cũng thành công ở các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang... Góp phần giải quyết bài toán "cây vụ đông" cho các nhà quản lý và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn. Riêng Phương sau 5 vụ khoai lang trắng đã tậu được chiếc ôtô trên nửa tỉ đồng.

Những mô hình hiệu quả

Ấy là chuyện của dăm năm về trước, còn bây giờ thì Hoàng Thị Phương là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, một chủ tịch hội nông dân cấp huyện trẻ nhất tỉnh Bắc Giang. Sức thanh xuân cùng nhiệt tình tuổi trẻ và kiến thức khoa học kỹ thuật của Hoàng Thị Phương đã góp phần khởi sắc phong trào nông dân huyện nhà, với nhiều hoạt động bề nổi lẫn chiều sâu khá ấn tượng.

Kỹ sư Hoàng Tiến Hùng khoe những năm gần đây, Hiệp Hòa có Phương nên có thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như HTX Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang tận Hàn Quốc để làm món kim chi nổi tiếng; bưởi Diễn của HTX Lương Phong chinh phục thị trường Hà Nội; gạo nếp cái hoa vàng của HTX Thái Sơn đã được chứng nhận bảo hộ độc quyền... Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 1.

Thạc sĩ Hoàng Thị Phương tư vấn về thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân

Hiệp Hòa cũng đã xuất hiện nhiều điển hình hộ nông dân sản xuất giỏi, như hộ ông Trần Văn Minh (xã Châu Minh) làm trang trại thả cá, nuôi lợn và thủy cầm, thu nhập mỗi năm hơn nửa tỉ đồng; hộ ông Phùng Sáu (xã Bắc Lý) chăn nuôi kỳ đà, hươu, nhím, dúi, ba ba... thu nhập gần 400 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Cường (xã Hòa Sơn) nuôi rắn và làm cây cảnh, thu nhập hơn nửa tỉ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Trường Thinh (xã Đoan Bái) có trang trại bưởi Diễn thu nhập gần 300 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Đức Đại (xã Hợp Thịnh) vừa có trang trại vườn đồi chăn nuôi gia cầm, vừa có diện tích mặt nước nuôi cá và thủy cầm, mỗi năm thu nhập cả trên cạn lẫn dưới nước ngót nghét tỉ đồng… Hùng còn kể ra nhiều điển hình nữa mà tôi nhớ không hết.

Rồi chúng tôi đi gặp, trò chuyện với các ông bà nông dân tỉ phú này, nhiều lần được nghe nhắc đến vai trò của hội nông dân trong thành quả hôm nay của họ. Rằng hội đã liên hệ, bảo lãnh, hỗ trợ pháp lý và thủ tục cho họ được vay vốn sản xuất. Hội hướng dẫn, giúp đỡ họ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Hội vận động, chắp nối họ hình thành các tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật trong đó là vai trò của cô hội trưởng Hoàng Thị Phương.

Nhiều nông dân chính hiệu còn khen cô Phương chính là tác giả của mô hình trồng hoa Lilium trên đất Hiệp Hòa. Nay thì cây hoa cao cấp này đã được nhiều hộ nông dân ở thị trấn Thắng và các xã Hoàng Vân, Đức Thắng, Xuân Cẩm, Đoan Bái... đưa vào canh tác diện rộng và Lilium Hiệp Hòa đã có mặt ở thị trường Hà Nội cũng như một số tỉnh phía Bắc.

Nhiều nỗi lo toan

Sau một thời gian tích cực vận động, đầu năm 2019, Hoàng Thị Phương thực hiện thành công đề án thành lập Liên hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ Hiệp Hòa gồm 8 HTX thành viên.

Đây là liên hiệp HTX đầu tiên của huyện Hiệp Hòa và là liên hiệp HTX thứ 2 của tỉnh Bắc Giang, góp phần tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm nông sản và sự đồng bộ trong các khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng thời gian này, Hoàng Thị Phương còn thực hiện sáng kiến thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp mang tên Đức Thắng gồm 15 thành viên, đều là những kỹ sư, thạc sĩ nông nghiệp, đa số là cán bộ khuyến nông ở các xã. Đây là HTX chuyên thực hiện các dịch vụ sản xuất nông nghiệp; kể cả việc cắt tỉa tạo dáng bon-sai, chăm sóc cây cảnh... Năm 2019 cũng ghi dấu ấn của Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa với nhiều cuộc thi sôi nổi, tạo ấn tượng tốt, như: Hội thi "Vườn bưởi của tôi"; Ngày hội "Bánh chưng Vân"; Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật nhà nông năm 2019…

Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 2.

Thạc sĩ Hoàng Thị Phương nói chuyện về cánh đồng mẫu với bà con nông dân tại các thôn, xóm.

Chưa hết, mới đây, Phương và lãnh đạo Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa còn tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy ban hành đề án "Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân giai đoạn 2020-2024". Đồng thời, Phương cùng các cộng sự cũng đang tìm cách để phát huy hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội của các cấp hội cơ sở. Bởi theo cô, đây là một chức năng rất cần thiết và ý nghĩa của hội nông dân nhưng hiện tại ở Hiệp Hòa thì việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chu cha là cả núi công việc. Hóa ra, hội nông dân mà như ở Hiệp Hòa thì quá lắm việc phải lo chứ không như tôi vẫn nghĩ lâu nay.

Và như thế, Hoàng Thị Phương và bà con nông dân Hiệp Hòa lại thêm một mùa xuân tràn ngập niềm vui cùng bề bộn những lo toan. 

Vẫn còn nhiều trở ngại

Hoàng Thị Phương phấn khởi khoe hiện nay huyện Hiệp Hòa có 33 cánh đồng mẫu lớn, trong đó có 4 cánh đồng sản xuất rau màu và 29 cánh đồng sản xuất lúa. Cùng với đó là 20 mô hình nhà màng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động, bước đầu cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên, Phương cũng không ngần ngại khi nói rõ hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới ở Hiệp Hòa vẫn còn nhiều trở ngại, như: Thiếu vốn để xây dựng nhà sơ chế, nhà bảo quản; đường giao thông nội đồng chưa được kiên cố hóa đồng bộ nên gây khó khăn cho sản xuất và vận chuyển nông sản...

Để các HTX kiểu này hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đang tích cực đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo tiếp tục dồn điền, đổi thửa, bố trí kinh phí để xây dựng nhà lưới, hạ tầng giao thông, thủy lợi... Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào cung ứng giống, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 4.
Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 5.
Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 6.
Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 7.
Bà nông dân 8X sành điệu - Ảnh 8.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo