Chỉ trong một thời gian ngắn mới đây, rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện (BV) lại xảy ra. Nhiều bác sĩ (BS) từng chua xót tâm sự việc bị người nhà bệnh nhân dùng nắm đấm để "nói chuyện" là "chuyện thường ngày ở huyện".
Máu đổ trên bệnh án
Tần suất bạo hành nhân viên y tế xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng nhiều.
Ngày 20-10 vừa qua, chị Trần Thị Thanh Hải - Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - đang trong ca trực thì bị Hoàng Xuân Hải (SN 1991) chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Hương Khê. Nguyên nhân là do Xuân Hải đến truyền dịch nhưng nồng nặc mùi rượu nên chị Thanh Hải từ chối. Bực tức, Xuân Hải về nhà lấy dao vào chém chị.
Tiếp đó, ngày 23-10, BS Trần Thanh Sơn khi đang trực cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh. Nguyên do chỉ vì BS Sơn ngăn người này đến BV hành hung bệnh nhân khác.
Trước đó, ngày 1-6, tại BV Thể thao Việt Nam (Hà Nội), BS Phạm Đình Vinh, công tác tại Khoa Y học cổ truyền, đã bị 2 thanh niên hành hung ngay trước cổng. Không chỉ vậy, 2 thanh niên này còn đưa BS vào trong BV, bắt quỳ xin lỗi.
Một sự việc từng gây ám ảnh trong giới y khoa là hình ảnh tập hồ sơ bệnh án nhuốm máu của BS Lê Quang Dương - BV Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội - sau khi bị người nhà bệnh nhân hành hung. Trước đó, trong khi đang xem bệnh án, BS Dương đã bị người nhà bệnh nhân dùng cốc thủy tinh đánh vào đầu, máu văng tung tóe. BS Dương ngất tại chỗ, phải nhập viện theo dõi chấn thương sọ não...
Người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Ảnh: Bệnh viện 115 Nghệ An
Một bác sĩ ở Hà Nội bị người nhà bệnh nhân đánh trọng thương - Ảnh: NGỌC DUNG
Phải phục vụ người... hành hung mình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần phản ánh tại các hội nghị về tình trạng nhân viên y tế bị hành hung đang trong lúc chữa bệnh ngày càng tăng.
"Chúng tôi đã rất nhiều lần mời công an và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng các vụ hành hung nhân viên y tế không thấy giảm mà lại còn tăng. Các cơ quan chức năng chưa thực sự ủng hộ. Ngành y tế gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung BS" - Bộ trưởng Bộ Y tế chua xót.
PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nhấn mạnh đây là những vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các BS, nhân viên y tế và cần phải nghiêm trị. Tổng hội đề nghị các cấp quản lý ngành y tế, hội y học các tỉnh - thành hỗ trợ cán bộ y tế bị nạn và tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh BV, hạn chế tối đa các sự việc tương tự xảy ra.
"Việc xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật sẽ giúp các cán bộ y tế cả nước ổn định tâm lý, tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì sức khỏe người dân" - bà Xuyên nhìn nhận.
Bày tỏ sự bất bình trước các vụ hành hung nhân viên y tế, BS Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, bức xúc: "Không có ngành nào mà người bị đánh chửi lại vẫn phải nhẫn nhịn quay sang phục vụ người đánh chửi mình như ngành y tế, như các BS ở Việt Nam. Tôi cho rằng BS cần có quyền từ chối điều trị cho những kẻ đe dọa tính mạng, nhân phẩm của họ".
Tuy nhiên, theo BS Thiên, hiện tại, các quy định khám chữa bệnh, các văn bản y tế lại hầu như buộc nhân viên y tế phải điều trị cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào. BS không chỉ không có quyền từ chối khám chữa bệnh với bất cứ ai, cho dù đối tượng đó vừa đe dọa, xúc phạm mình mà còn phải đối xử thân thiện, hòa nhã.
"Hiện cũng chưa có văn bản nào quy định bắt buộc người mắng chửi nhân viên y tế phải ra khỏi BV. Do đó, BS vẫn căng mình chịu đựng sự bạo hành của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà không có phương tiện gì để tự bảo vệ mình" - BS Thiên trăn trở.
Phải nghiêm trị
Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân của Việt Nam quy định "nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ". Tuy nhiên, luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước gần như chưa có biện pháp hiệu quả đề phòng cũng như bảo vệ nhân viên y tế khỏi sự bạo hành.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người "đang chăm sóc sức khỏe cho mình" theo đề xuất của đại biểu Quốc hội, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là "người chữa bệnh cho mình", sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.
"Tôi cho rằng cần có nghị định chặt chẽ hơn, bởi hiện nay, chúng tôi không có một phương tiện gì để cấm người ta chửi bới mình. Do vậy, nên có những nghị định, quy định rõ ràng, chi tiết như khi đối tượng từng xâm hại sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế có thể phân thành các mức phạt từ thấp đến cao và mức cao nhất là truy tố trước pháp luật" - ông Hiếu nhấn mạnh.
PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K trung ương, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam:
Xây dựng luật bảo vệ nhân viên y tế
Tôi thực sự buồn khi vài năm trở lại đây, vấn đề bạo hành trong y tế (gồm cả hành vi và lời nói đe dọa, uy hiếp, chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục...) ngày càng trở nên nhức nhối, nghiêm trọng, gây bất an và bức xúc trong toàn ngành.
Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh với những kẻ bạo hành và kiến nghị xây dựng bộ luật bảo vệ nhân viên y tế, trong đó quy định hình phạt cụ thể đối với những kẻ bạo hành. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức giáo dục, tuyên truyền cho người dân biết các vấn đề về sức khỏe cũng như những khó khăn mà ngành y thường phải đối mặt.
GS-TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam:
Bất công với "từ mẫu"
Trước kia, nghề y và nghề giáo là 2 nghề nghiệp luôn nhận được sự tôn trọng của xã hội. Thế nhưng, hiện nay, thầy thuốc và thầy giáo đang phải hứng chịu những bức xúc của không ít người bằng hành động cụ thể, đó là những cú đấm, sự sỉ nhục, chửi rủa và cả những nhát dao từng cướp đi sinh mạng BS.
Người ta thường nhắc tới khẩu hiệu: "Lương y như từ mẫu", "Thầy thuốc như mẹ hiền". Vậy nếu thầy thuốc là mẹ hiền thì phải có những người con ngoan hiền, đằng này nhiều con là nghịch tử. Phải chăng đã là từ mẫu thì phải hứng chịu mọi thứ bất công từ các con hay sao? Nếu con thấy mẹ không hành xử như mình mong đợi thì con xuống tay với mẹ luôn chăng?
Bác sĩ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai:
Ám ảnh bệnh án nhuốm máu
Thật bất bình khi bệnh nhân mắng chửi, gây khó khăn cho nhân viên y tế thì được bỏ qua nhưng nhân viên y tế nào không kiềm chế nổi cơn nóng nảy vặc lại bệnh nhân lập tức sẽ bị dư luận "ném đá", bị lãnh đạo xử phạt.
Mọi người thường cho rằng BS quyền to hơn bệnh nhân nhưng với thực tế này thì BS đang chịu nhiều thiệt thòi. Bạo hành nhân viên y tế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cả một ngành chứ không riêng gì một BS hay một BV. Hình ảnh trang bệnh án dính máu thật đáng sợ và ám ảnh, khiến tất cả BS đều nghĩ đến một ngày mình cũng có thể bị như vậy!
D.Thu ghi
Bình luận (0)