Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử là một trong 10 bãi tắm đẹp nhất Việt Nam, trải dài từ phường Mỹ Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm đến thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, hiện bãi biển này đã bị tỉnh Ninh Thuận "chia năm xẻ bảy" để giao cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh resort, khách sạn, nhà hàng, khu đô thị…
Cát cứ lãnh địa
Gần 18 năm trước, vào năm 2000, tỉnh Ninh Thuận thu hồi 8 ha đất rừng phi lao ở bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận quản lý để giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu đầu tư khu vui chơi giải trí, kết hợp với trồng, bảo vệ rừng. Thế nhưng sau đó, Công ty Hoàn Cầu đã từ từ "bức tử" toàn bộ rừng phi lao, độc chiếm diện tích bãi biển được giao để xây dựng khu resort, nhà hàng biệt lập, có tường rào bao quanh. Có thể nói, Hoàn Cầu được xem là khu du lịch mở màn cho việc "xẻ thịt" bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử.
Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử giờ đây bị các khu du lịch chia năm xẻ bảy. Ảnh: VINH HIÊN
Liên tiếp những năm sau đó, chính quyền tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cấp phép đầu tư cho hàng loạt dự án du lịch như Paven, Đông Dương, Phú Thuận, Bàu Trúc, Con Gà Vàng, Thái Bình Dương…, với ít nhất trên 30 ha bãi biển.
Tương tự như khu resort Hoàn Cầu, chủ đầu tư các dự án du lịch nói trên khi nhận đất đã cho xây tường rào bao quanh. Nếu không quá lời, nhìn từ bên ngoài vào, các khu du lịch này như những "sứ quân" cát cứ lãnh địa.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư, cho thuê đất đã chây ì trong việc triển khai dự án. Đơn cử như Công ty Paven, sau khi nhận 17 ha đất cho thuê, vẫn "án binh bất động" nhiều năm liền nên đến năm 2006, UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi dự án này. Hoặc Công ty TNHH Phú Thuận được chấp thuận đầu tư dự án du lịch với quy mô hơn 6 ha nhưng "treo" hơn 5 năm.
Mới đây, khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận thanh tra việc sử dụng đất của các dự án du lịch ở Bình Sơn - Ninh Chử đã phát hiện một số khu resort bề thế như Con Gà Vàng (2 ha) và Thái Bình Dương (2,4 ha) vẫn còn nhiều hạng mục như khách sạn 100 phòng, nhà hàng 500-600 khách, hệ thống biệt thự… chậm tiến độ hơn 10 năm. Thậm chí, Thái Bình Dương còn nợ tiền thuê đất (từ năm 2012 đến 2016) hơn 1 tỉ đồng.
Người dân Ninh Thuận cứ ngỡ sau khi cắt xén hàng chục ha bãi biển cho các nhà đầu tư làm du lịch theo kiểu chắp vá, chính quyền tỉnh Ninh Thuận nhận ra được khiếm khuyết. Nào ngờ, cuối năm 2010, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục giao 5 ha bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử cho Công ty CP Thành Đông thực hiện dự án khu đô thị biển để công ty này phân lô bán nền. Bao biện cho sự thiển cận này, một lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận giải thích vì tỉnh còn nghèo nên phải chọn giải pháp "đổi đất lấy công trình" để Công ty Thành Đông xây dựng công viên biển. Đến năm 2014, tỉnh Ninh Thuận lại tiếp tục cắt hơn 4 ha trong số diện tích cái được gọi là công viên biển để tiếp tục giao cho Thành Đông.
Còn đâu bãi biển thơ mộng!
Nhiều cư dân Ninh Thuận từng tiếc nuối như vậy khi chứng kiến thực trạng hiện nay của bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử.
Ông Phan Tấn Cường (69 tuổi, ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết ông không ngờ có một ngày bãi biển thơ mộng này lại mai một đến như vậy. "Cả bờ biển dài 6 km nhưng hiện chỉ còn 4 chỗ tắm công cộng chút xíu. Những ngày nóng bức, bà con chen chúc nhau trên bãi biển, đông như kiến, bức bối không chịu nổi" - ông Cường phản ánh. Ông Trần Quang (47 tuổi, kỹ sư ở huyện Ninh Hải) bày tỏ: "Thời học sinh, hằng năm chúng tôi thường cắm trại ở bãi biển này. Lúc đó, rừng dương xanh bạt ngàn, tha hồ vui chơi, tắm biển thỏa thích. Bây giờ, cây cối bị chặt phá hết, nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm. Kiếm đỏ mắt một chỗ tương đối rộng rãi cho cả gia đình sinh hoạt vào những ngày lễ cũng không có".
Công ty Thành Đông được xây dựng khu đô thị biển để phân lô bán nền với danh nghĩa "đổi đất lấy công trình" Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Không chỉ người dân Ninh Thuận buồn, khách du lịch ngoài tỉnh cũng tiếc nuối cho bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử bị các dự án "thôn tính".
Ông Hồ Tấn Khang (71 tuổi, du khách ở TP HCM) nói ông từng đi du lịch ở nhiều tỉnh miền Trung nhưng thích nhất vẫn là bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử vì vẻ đẹp hoang sơ của nó. "Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm trước. Giờ đây người ta xây dựng tràn ngập như vậy rồi. Tiếc lắm. Phải chi Ninh Thuận cho phát triển du lịch về phía Tây đường Yên Ninh, giữ nguyên bãi biển này thì hay biết mấy" - ông Khang tiếc nuối.
Hết hạn giao đất sẽ khôi phục
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết việc cấp phép cho các nhà đầu tư làm du lịch ở bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử đã thực hiện từ nhiều năm trước. Lãnh đạo tỉnh hiện đã thấy rõ sự bất cập này nên quyết tâm lấy đó làm bài học kinh nghiệm. Ninh Thuận rất cần các doanh nghiệp đầu tư du lịch biển nhưng khi giao đất sẽ tuân thủ nghiêm quy định của Chính phủ là cách mép nước khi triều cường cao từ 100 m trở lên.
"Về lâu dài, khi các dự án ở Bình Sơn - Ninh Chử hết thời hạn giao đất, tỉnh cũng sẽ chỉnh trang lại để khôi phục vẻ đẹp của bãi biển này" - ông Bình khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3
Kỳ tới: Dẹp nạn cát cứ bãi biển
Bình luận (0)