xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng tình suất cơm "nuôi em"

NGUYỄN KHÁNH LY

Dự án "Nuôi em Nam Trà My" mở ra từ năm 2019, đến nay đã có 2.100 trẻ vùng rẻo cao Quảng Nam được ăn đủ chất hơn khi đến lớp

11 giờ, tan ca học sáng, nhóm học sinh lớp 1 và 2 điểm trường thôn Tăk Lủ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lại dắt nhau đội nắng băng mấy ngọn đồi trở về nhà tìm bữa cơm trưa, trước khi học ca chiều.

Xót lòng khi học trò bụng đói, chân run

Những đôi chân trần thoăn thoắt leo núi, người lớn miền xuôi chạy theo các em bở hơi tai, thế mà cũng mất 1-2 giờ mới tới nhà. Nhiều em phải đến nơi cha mẹ làm rẫy thì mới có cơm ăn, khi quay lại trường đã trễ học, có em đi về mệt lả người không đủ sức nên nghỉ luôn buổi chiều.

Đó là chuyện thường thấy của nhiều học sinh lớp 1 và 2 huyện Nam Trà My vào thứ ba và thứ năm hằng tuần - hôm các em học cả ngày, trước khi dự án "Nuôi em Nam Trà My" đến với rẻo cao Nam Trà My. Nay mọi chuyện đã khác.

Nặng tình suất cơm nuôi em - Ảnh 1.

Chị Phạm Hoài Trân trong đợt thăm các em nhỏ vào tháng 10-2022

"Nuôi em Nam Trà My" là tâm huyết gần 4 năm nay của chị Phạm Hoài Trân cùng cộng sự nhằm "bắc chiếc cầu nối" để kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, cứ mỗi khoản đóng góp từ 850.000 đồng trong năm đầu và hiện tại là 1.050.000 đồng là đủ để "nuôi ăn" một em trong một năm học. Chị Trân và các tình nguyện viên, thường là các thầy cô giáo cắm chốt rải rác trên các điểm trường để thiết kế những biểu mẫu rút gọn gồm tên, ảnh và thông tin liên hệ của mỗi trẻ các lớp 1-2 ở những điểm trường khó khăn nhất gọi là "em nuôi". Thoạt nghe đơn giản nhưng khối lượng công việc của nhóm rất lớn khi cần tập hợp ảnh từ hơn 70 điểm trường toàn huyện, những điểm trường có 2-3 học sinh, ghép cặp em nuôi với anh chị nuôi, cân đối tài chính, đầu năm học chuyển tiền lên để thầy cô chuẩn bị bữa cơm.

Mỗi phần cơm hiện có giá 10.000 đồng, nhờ nguồn quỹ này, sau mỗi tiết dạy, các thầy cô lại hối hả đỏ lửa, bắc bếp để kịp nấu bữa trưa cho trò. Có những điểm trường phụ huynh tranh thủ giờ nghỉ trưa sau buổi đi rẫy về nấu cơm cho trẻ. Thức ăn tươi vận chuyển lên các điểm trường cheo leo thì đắt đỏ, bữa có ít thịt, bữa có cá, trứng hay đậu hũ cũng đủ làm mắt các em lấp lánh niềm vui.

Giữ chân các em ở lại trường lớp

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - người 20 năm bám trường ở Nam Trà My, chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối yêu thương của huyện - nói những bữa cơm đã giữ chân học trò, các em đi học đều hơn, đỡ vất vả di chuyển, ăn đủ chất nên "có da có thịt", chất lượng học bảo đảm hơn. Thầy cô cố gắng đổi món - bánh mì, phở, bún - để các bé được ăn những món ăn lần đầu tiên trong đời. Mỗi lần thấy các bé ăn ngon lành, xúc từng muỗng cơm, bàn tay nhỏ xinh với ánh mắt hạnh phúc khiến chị Trân quên đi mệt nhọc.

Nặng tình suất cơm nuôi em - Ảnh 2.

Chị Phạm Hoài Trân đại diện dự án “Nuôi em Nam Trà My” tặng quạt cho một điểm trường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 2009, vừa sinh con được 5 tháng, chị Trân chủ động liên hệ với anh Hoàng Hoa Trung - chủ trì dự án "Nuôi em" vùng núi phía Bắc, dự án đã đi được 12 năm, với hàng chục ngàn bữa ăn được triển khai, giúp giảm tỉ lệ nghỉ học của trẻ vùng cao từ 80% xuống 5% - để đưa mô hình vào làm ở Quảng Nam. Lúc này "tay trắng", chưa có bạn bè nào nhận nuôi em, chị vẫn mạnh dạn triển khai. "Nếu không có ai nhận nuôi, chị sẽ bỏ tiền túi là 200 triệu đồng đầu tiên để nuôi các em trong năm đầu tiên" - chị Trân nói.

Tiếng tăm dự án lan tỏa, đến hôm nay, sau 4 năm, có 2.100 "em nuôi" đã không lo thiếu bữa trưa. Năm đầu tiên khó khăn vì thiếu nhân lực tại chỗ, có tiền mà chưa thể triển khai. Chị soạn nội dung giới thiệu dự án rồi đến từng trường nói chuyện với hiệu trưởng để thuyết phục thầy cô cùng tham gia. Chính cách làm việc chuyên nghiệp đã làm cả ngành giáo dục huyện tin tưởng và đồng loạt triển khai. Chị nhớ khi bắt tay vào dự án, con gái chị mới 5 tháng tuổi, chị vừa lên vùng núi thực địa vừa mang theo máy vắt sữa. Sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng nhưng hình ảnh trẻ thơ quê nhà Quảng Nam, chân đất đến trường luôn thôi thúc chị. Nam Trà My là một trong những huyện nghèo nhất nước, đến với nơi đây là một cái duyên. Cảnh những em bé vượt đường xa 2 giờ về nhà ăn cơm, một khi đã thấy là không thể ngủ yên, nhất là khi chị là mẹ của hai bé.

Muốn làm thêm nhiều việc cho cộng đồng

Chị Trân kể có ông xã là hậu phương vững chắc, ủng hộ mọi quyết định, lúc mới yêu nhau, người ta thì đi hẹn hò, cặp đôi này rủ nhau đi mua quà Tết, gồm gạo, dầu ăn, nước mắm để tặng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh chị thành vợ chồng, có 2 con, nay 2 cô gái nhỏ của chị đã đi học và hiểu chuyện, trước mỗi chuyến đi, 2 bé phụ mẹ soạn bánh kẹo, quà cho các bạn nhỏ vùng cao.

Với chị Trân, làm tình nguyện viên không chỉ cần trái tim nóng mà còn cần có cái đầu lạnh để đi được xa, làm hiệu quả và bền vững. Vừa chạy dự án vừa có công việc kinh doanh riêng, chị học cách cân bằng với cuộc sống gia đình, dành nhiều thời gian cùng con lớn lên.

Nặng tình suất cơm nuôi em - Ảnh 3.

Bữa cơm của các em do dự án tài trợ

Dự án chạy đều, chị vẫn lặn lội đến các điểm trường mỗi khi thuận tiện để nghe những câu chuyện, hỏi chỗ này vì sao chưa có điện hay nước sạch, biết đâu sẽ nảy ý tưởng làm thêm được gì cho các em. Nam Trà My hôm nay không thiếu trường, trạm, đường sá, bánh kẹo, quần áo cho các bé nhưng chị vẫn nặng tình với rẻo cao, chị thấy những điều có thể làm. Chị mơ về dự án với gói trẻ sơ sinh trị giá 300.000 đồng, trong đó có sữa non, bỉm cùng các vật dụng y tế cơ bản giúp bé được ổn định trong những ngày đầu chào đời trong khó khăn, thiếu thốn.

Hiện tại, mỗi năm "Nuôi em Nam Trà My" nhận 2,5 tỉ đồng, nuôi 2.100 em, chị quyết tâm sẽ làm dự án này ít nhất 10-15 năm nữa, tới lúc các con không cần ăn cơm nữa.

Chị nhìn bao quát vùng đất này, nhắm những cái chưa nhiều người làm thì chị muốn xông pha. Như việc sửa sang trường học thường không được đánh giá cao bằng xây trường mới nhưng rất thiết thực. Chị làm chương trình cải tạo trường học, số tiền được trích từ 50.000 đồng trong số tiền nuôi em, không cần huy động thêm. Vừa qua, dự án vừa sửa xong trường thôn 3, xã Trà Vinh, chắt chiu từng viên gạch, bao xi-măng vì đường núi, vận chuyển lên bằng đi bộ mất 3 giờ.

Chị Trân kể rất tự tin làm bởi đã có những người thầy cắm chốt, như thầy Vỹ - 20 năm gắn bó với đồng bào, trẻ thơ, "mỗi tuần một ngọn núi". Ban đầu, thầy cũng nghĩ "Nuôi em Nam Trà My" giống những nhóm trước đây chỉ đăng ký nuôi một nhóm vài chục em. "Nắm được con số nuôi em và cách dự án vận hành thì tôi rất vui vì đây chính là chương trình mình ấp ủ. Nay chị Trân và các bạn mang đến cho các em những bữa ăn, giúp các em bám trường và cha mẹ yên tâm khi lên nương rẫy" - thầy Vỹ nói. 

Mệt mỏi tiêu tan

Đến giờ cơm, những chiếc bàn học được ghép lại làm bàn ăn, học trò ngồi ngay ngắn và ánh mắt bừng sáng như trước một bữa tiệc thịnh soạn. Chị Trân thủ thỉ: Mỗi lần vượt đường xa lên núi, bao lo lắng thường nhật để lại dưới núi bởi nhìn các bé ăn một bữa ngon lành thấy bao mệt mỏi, căng thẳng tiêu tan. Các con quý cơm lắm, có hôm chị Trân gặp cô bé đang sốt không ăn được, ngồi tỉ mẩn gói phần cơm có vài lát thịt và măng rừng để chiều tan học đem về nhà cho em.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nặng tình suất cơm nuôi em - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo