Trong ngày công bố hoạt động của đoàn tàu cách đây ít ngày, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng thẳng thắn thừa nhận có quá nhiều bài học từ dự án: Chuẩn bị đầu tư chưa tốt, thiếu quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đường sắt đô thị, phát sinh điều chỉnh vốn quá lớn, kéo dài thời gian thi công để đưa vào vận hành… Thế nhưng, trong các bài học đó lại không nghe nhắc tới trách nhiệm cụ thể của từng con người, từng cơ quan trực tiếp tham gia vào dự án từ ban đầu cho đến kết thúc. Bài học nào cũng đắt giá và có những bài học do lỗi hoàn toàn chủ quan từ con người. Không nêu được trách nhiệm thì khó đánh giá năng lực điều hành mà trong trường hợp này là năng lực của những cán bộ liên quan.
Bài học này chưa ráo mực thì một tin không tốt khác cũng liên quan đến đường sắt đô thị vừa đến: Nhà thầu HGU (liên danh Hyundai và Ghella), đơn vị thi công đoạn ga ngầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD, nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế. Nguyên do chính là chậm giao mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ.
Cùng thời gian này, Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị, nêu rõ cả 6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đều chậm tiến độ. Chậm tiến độ thì phát sinh thêm chi phí, kéo dài thời gian đưa vào vận hành nên cũng đồng nghĩa kéo thấp hiệu quả dự án. Trường hợp nhà thầu gây căng thẳng hoặc bỏ dở dự án, đòi bồi thường như trên thì viễn cảnh ì ạch như đường tàu Cát Linh - Hà Đông cũng không quá xa. Lần này bài học kinh nghiệm chưa được nêu ra nhưng hậu quả đã rất nhãn tiền.
Có thể nói những đô thị lớn của chúng ta đã quá tải, hệ thống giao thông không thể cáng đáng nổi sự phát triển dân số tập trung và nhu cầu phát triển kinh tế. Mở rộng cấp tốc hệ thống đường bộ nội đô đã quá khó khăn, bởi chi phí cho mặt bằng quá cao, quỹ đất không còn được ưu tiên… Phát triển đường thủy thì quá ít kinh nghiệm và không phải đô thị nào cũng thuận lợi. Giải pháp hữu hiệu nhất, có thể tin cậy chính là đường sắt trên cao và tiếp theo sẽ là tàu điện cao tốc. Chúng ta ít kinh nghiệm nhưng có thể học hỏi, bởi ngay trong khu vực châu Á đã có rất nhiều quốc gia có hệ thống giao thông đường sắt đô thị, tàu điện hiện đại như Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc… Vấn đề là chúng ta cần phải có chương trình phát triển giao thông bài bản tầm quốc gia, có cán bộ quy hoạch, quản lý dự án đủ năng lực và triệt tiêu được những tiêu cực phát sinh.
Lúc này không còn có thể nói rằng thiếu kinh nghiệm về phát triển giao thông hiện đại vì về mặt công nghệ, chúng ta đã bị bỏ xa đến vài thập kỷ và thực tế đã quá cấp bách. Trước hết, cần có những con người có thể học hỏi kinh nghiệm với giá thấp nhất để gánh nặng không đổ lên vai người dân.
Bình luận (0)