Chiều 4-11, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông và ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng chủ trì họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại họp báo - Ảnh: Thành Chung
Theo kế hoạch, sau khi Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội vào 7 giờ sáng ngày 6-11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được Hanoi Metro chính thức khai thác thương mại vào sáng cùng ngày.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết sau 10 năm thi công xây dựng và 13 năm Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thì đây là thời điểm mang tính chất lịch sử để đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và của Hà Nội vào hoạt động. "Vẫn biết đây là kỹ thuật mới, ODA nước ngoài đều là những khó khăn vướng mắc, nhưng các bên, đặc biệt là Bộ GTVT, đã vượt qua vô vàn khó khăn" - ông Tuấn nêu rõ.
Trả lời câu hỏi về bài học kinh nghiệm từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết bài học đầu tiên là chúng ta chưa có tiêu chuẩn về đường sắt đô thị.
Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam về đường sắt đô thị chưa có, mới có thông tư về khai thác. Trong khi thực hiện, khung tiêu chuẩn của dự án được áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nước này lại dựa theo quy chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, giữa các tiêu chuẩn cũng chưa đồng bộ, phía Trung Quốc phải tiếp tục biên soạn hoàn thiện từ năm 2013 đến 2018. Việc chưa đồng bộ ngay từ đầu có thể là bài học rút ra sau này, để tránh mất nhiều thời gian.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức khai thác thương mại vào sáng 6-11 - Ảnh: Ngô Nhung
Thứ hai là chuẩn bị đầu tư chưa tốt, Bộ GTVT chưa lường hết nhiều vấn đề phát sinh nên phải điều chỉnh bổ sung thiết kế, hay việc chậm tiến độ. Đáng lẽ dự án hoàn thành năm 2017, song công tác giải phóng mặt bằng chậm và thiết kế kỹ thuật thay đổi, phải điều chỉnh bổ sung, trình cấp thẩm quyền nên khiến thời gian bị kéo dài.
Bài học thứ ba, với dự án phức tạp trong đô thị thế này, ông Đông cho biết đã đề xuất cấp thẩm quyền tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, xong mặt bằng mới triển khai thi công xây lắp thì sẽ đẩy nhanh tốc độ, hiệu quả. Chẳng hạn Dự án Cát Linh - Hà Đông thi công, lắp đặt 3 năm là xong nhưng khởi công khi chưa có mặt bằng để khảo sát thiết kế nên kéo dài.
Thứ tư là hệ thống quy định pháp luật về dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) theo tiêu chuẩn FDIC của Việt Nam chưa đồng bộ. Hợp đồng EPC tổng thầu làm tất cả từ thiết kế đến khi bàn giao khai thác. Còn của ta thì chủ đầu tư lại phê duyệt dự toán, thiết kế. Cần nghiên cứu có quy định chi tiết hơn trong quản lý hợp đồng EPC. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ lần đầu làm dự án này chưa có kinh nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân.
Bài học khác là thời gian nghiệm thu kéo dài. Dự án rất mới nên phải đối chiếu, các cơ quan đều rất thận trọng, tiêu chuẩn chưa đồng bộ, vừa làm vừa cập nhật. "Đây là dự án đầu tiên, thí điểm nên có những cái ta chưa biết, nhiều bài học cần rút ra. Việc kéo dài thời gian, tiến độ là dễ xảy ra"- Thứ trưởng Đông nói.
Nói về trách nhiệm để tiến độ dự án chậm nhiều năm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết chủ đầu tư đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)