Thiệt hại nhân mạng quá lớn sau các thảm họa trên đã làm bàng hoàng người dân cả nước.
Làm thế nào để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, lũ quét, sạt lở đất? Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, các giải pháp chủ yếu là xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu để ứng phó phù hợp; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đồng thời kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương; đầu tư cho các công trình hạ tầng phòng chống thiên tai thiết yếu, cấp bách…
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm đề án bản đồ cảnh báo sạt lở đất đá ở 37 tỉnh, thành phố và đã hoàn thành bản đồ hiện trạng sạt lở tại 22 tỉnh, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở tại 15 tỉnh với tỉ lệ 1/50.000. Tuy nhiên, sơ đồ hiện trạng sạt trượt và khoanh vùng cho các xã trọng điểm với tỉ lệ 1/10.000 chỉ mới làm được tại 44 xã thuộc 5 tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Nam, hiện huyện Phước Sơn có 13 điểm, huyện Nam Trà My có 15 điểm và huyện Bắc Trà My có 30 điểm nguy cơ cao sạt lở đất. Các địa phương trên phải hết sức cẩn trọng khi bão số 10 đang sắp đổ bộ vào miền Trung.
Trong các giải pháp Chính phủ đề ra như đã dẫn thì việc di dời, tái định cư cho dân ở vùng nguy cơ là hết sức cần thiết và có tính bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình đề án di dời dân tại 2.300 điểm nhưng kinh phí để thực hiện rất lớn nên chỉ triển khai ở một số địa phương, tại các khu vực đã xảy ra sạt lở đất hoặc quá nguy cấp. Lợi ích của chủ trương này thể hiện rõ nhất là ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong khi một số huyện vùng cao của tỉnh này bị ảnh hưởng nặng vì sạt lở đất, lũ quét thì người dân ở 115 ngôi làng với 19.000 người dân tại huyện Tây Giang vẫn an toàn. Đề án di dời dân ra khỏi rừng và sườn núi về sống ở vùng được quy hoạch bảo đảm an toàn triển khai cách đây 14 năm, được dân đồng thuận. Theo ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cách làm của huyện Tây Giang rất cần áp dụng nhanh và sẽ làm mạnh hơn nữa. Trong tổng số 13.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, toàn tỉnh Quảng Nam đã di dời được 7.000 hộ, Tây Giang là nơi làm tốt nhất.
Bài học từ huyện Tây Giang cho thấy tầm nhìn xa và quyết tâm thực hiện với mục tiêu an toàn tính mạng, tài sản cho dân lên cao nhất. Các địa phương nên phối hợp các bộ, ngành trung ương để có nguồn kinh phí, đẩy nhanh tiến độ di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ. Thiên tai luôn tiềm ẩn bất trắc khó lường nên chủ động phòng tránh luôn là giải pháp tối ưu.
Bình luận (0)