Người cần thuê về làm là nhân viên buồng phòng (room attendant), vợ chồng anh bạn nói đừng tưởng đây là việc làm "bèo bọt" trong nghề du lịch, ngược lại đó là vị trí khá quan trọng, tác động lớn đến sự hài lòng của khách, vì thế rất cần có nhân viên buồng phòng chuyên nghiệp nhưng tìm không ra người, mà tuyển người tay ngang vào làm thì không yên tâm nên chủ khách sạn tự làm luôn. Anh nói thêm du lịch Hội An đang tăng trưởng tốt, Đà Nẵng cạnh đó cũng vậy nhưng nguồn nhân lực thạo nghề tìm đỏ con mắt, trong đó nhân viên buồng phòng là ví dụ.
Đem chuyện này hỏi giám đốc một công ty du lịch chuyên về khách MICE (du lịch kết hợp hội chợ triển lãm, hội nghị...), vị này bảo: "Phải rồi, hầu như không có nơi nào đào tạo nhân viên dọn phòng chuyên nghiệp, trong khi cử nhân chuyên ngành thì đâu có chịu làm công việc này".
Chuyện tưởng nhỏ nhưng khi hình dung ra bức tranh toàn cảnh đang lớn lên từng ngày của ngành du lịch Việt Nam thì thấy đó là vấn đề hệ trọng. 2018 là một năm xuất sắc của ngành du lịch nước ta khi hoàn thành mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỉ đồng. Các địa phương là trung tâm du lịch lớn cũng phấn khởi: TP HCM đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó đạt 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế... Năm 2019 này, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách đến và với đà nỗ lực như hiện nay, mục tiêu nói trên là trong tầm tay.
Đạt mục tiêu năm 2019 không khó song để phát triển lâu dài thì chẳng hề đơn giản, nhiệm vụ trước mắt là phải giải cho được bài toán nguồn nhân lực. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở của ngành nhưng thực tế thì du lịch Việt Nam nhiều năm qua rơi vào tình trạng cung không đủ cầu về lao động, nhất là lao động chất lượng cao; nguồn nhân lực còn thấp về chất lượng tay nghề lẫn năng suất. Vì thiếu hụt nên không ít cơ sở du lịch phải tuyển "lúa non" kiểu vơ bèo vạt tép, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Hiện cả nước có gần 30.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng phòng và con số này tăng liên tục, nhu cầu của du khách cũng nhiều lên và cao hơn, nếu vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực không được giải quyết thì du lịch khó có thể phát triển, tăng trưởng bền vững.
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó bất cập lớn nhất là khâu đào tạo. Thay vì cứ bám theo phương thức đào tạo nhân lực du lịch trực tiếp tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp như lâu nay thì xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến (qua internet) ở nhiều cấp độ, từ quản lý đến nhân viên buồng phòng, theo tiêu chuẩn quốc tế là hướng làm hợp lý, nhất là khi Việt Nam đang có hạ tầng viễn thông khá lý tưởng.
Bình luận (0)