Hai xã Lộc An và Bình Sơn, huyện Long Thành nằm giữa ranh giới của 21.000 ha vùng phụ cận dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, vùng dự án 5.000 ha giải tỏa trắng để xây sân bay đã bị cấm hoàn toàn việc tách thửa, mua bán. Vùng phụ cận đang lập quy hoạch chi tiết cũng được siết chặt, cấm mua bán, tách thửa - trừ các trường hợp đặc biệt xác định nhu cầu cấp bách về nhà ở, đất nông nghiệp của người dân có hộ khẩu tại địa bàn, được xác định nhu cầu thực tế một cách chặt chẽ.
"Băm nát" vùng tái định cư
Vậy mà đến nay, 2 xã Lộc An và Bình Sơn là vùng "nóng" nhất xung quanh khu vực dự án sân bay Long Thành về tình trạng phân lô, bán nền. Đáng nói, đây là nơi được chọn xây dựng các khu tái định cư cho hơn 15.000 người của vùng giải tỏa để thực hiện dự án sân bay Long Thành.
Dự án phân lô, bán nền tràn lan tại xã Lộc An, huyện Long Thành với cam kết có sổ đỏ riêng, trong khi nơi đây đang cấm tách thửa nếu không phải là trường hợp đặc biệt
Đầu tháng 12-2017, có mặt nhiều ngày liên tục tại 2 xã trên, chúng tôi ghi nhận nơi đây đang trong tình trạng phá nát đất nông nghiệp bởi các dự án phân lô, bán nền. Khắp nơi náo loạn bởi những cọc, rào, băng rôn, tờ rơi... với những dự án. Tại xã Lộc An, từ ngã tư trụ sở UBND xã trên đường 769 đi thẳng về hướng xã Bình Sơn hoặc rẽ trái, là một điểm nóng phân lô, bán nền. Tại đây, chen lẫn trong các dự án đang đào xới được cấp phép từ lâu của tỉnh là hàng loạt dự án ăn theo. Ở xã Bình Sơn, những cánh đồng bị cắm cọc, giăng rào, đất đai chẳng trồng trọt được gì.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Lộc An hiện có hàng chục dự án phân lô với quy mô từ vài ngàn mét vuông đến vài hecta. Các dự án phân lô bán nền đều loanh quanh khu vực gần trụ sở UBND xã Lộc An. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Bình Sơn. Xung quanh 2 UBND xã này, các trung tâm môi giới, giới thiệu nhà đất mọc lên như nấm. Có những căn nhà treo bảng rõ to và nổi bật: "Giới thiệu nhà đất lô, sào, mẫu". Giá bán được rao từ 3-10 triệu đồng/m2.
Chúng tôi gặp một nhóm người xưng là nhân viên công ty bất động sản VTT có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM. Những người này giới thiệu công ty đang mở bán nhiều dự án, có xe đưa rước khách tham quan mỗi tuần… Tiếp cận nơi họ giới thiệu "dự án", chúng tôi chẳng thấy đường, điện đâu; chỉ thấy vài đường cày xới nham nhở, cỏ dại ngút ngàn. "Đây là vùng giáp ranh quy hoạch, đất rất "hot" và dự án của chúng tôi là hợp pháp..." - một người giới thiệu chắc nịch.
Chiêu bài "trường hợp đặc biệt"
"Đây là vùng giáp ranh vùng quy hoạch phụ cận 21.000 ha, đất mới đẹp và có tương lai, là trung tâm hành chính và tái định cư, sau này sẽ tấp nập và thuộc trục đường chính. Dù là đất ngoài rìa vùng quy hoạch hay trong vùng quy hoạch đang cấm chuyển nhượng thì bọn em đều có cách hợp thức hóa, các anh chị yên tâm..." - một cò đất tên T. đi xe hơi mời chào, giọng ngọt như mía lùi.
Tại một quán nước nằm trong khu chợ đêm ở thị trấn Long Thành - cửa ngõ đi vào vùng sân bay, chúng tôi được bà chủ quán cho biết "muốn mua loại đất nào cũng có". "Tôi có người thân là cán bộ địa chính xã Lộc An. Các anh muốn tìm hiểu, mua đất như thế nào thì để tôi giới thiệu..." - bà ta đon đả.
Chúng tôi thắc mắc rằng chính quyền đang cấm tách thửa, mua vào thì sao đứng tên được chủ quyền? "Mấy anh quên cái "lưu ý về trường hợp đặc biệt" à! Cứ là trường hợp đặc biệt là tách thửa được hết. Yên tâm đi, nhiều người mua vẫn sang tên đổi chủ bình thường rồi" - chủ quán khẳng định.
Trong vai các nhà đầu tư cần đất làm dự án, khi tiếp cận khu vực "nóng" xã Lộc An, chúng tôi đã được một số người tự xưng là cán bộ UBND xã cho biết sẵn sàng giới thiệu đất. Những người này giới thiệu các khu đất ở vùng trung tâm, bên lề vùng quy hoạch và quảng cáo rất "kêu". "Chúng tôi sẵn sàng giúp các anh. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ giới thiệu thôi, còn thủ tục các anh phải lên huyện, tỉnh..." - những người này nói.
Thế nhưng, khi chúng tôi trao đổi với một lãnh đạo xã Lộc An thì vị này khẳng định: "Làm gì có chuyện cán bộ làm cò"(?!).
Chúng tôi đem chuyện phân lô, bán nền nở rộ và tình trạng chuyển nhượng bằng "trường hợp đặc biệt" trao đổi với ông Trương Quang Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành, nhưng ông không trả lời. "Phải gửi câu hỏi trước và có kế hoạch để trao đổi cụ thể..." - ông Phương từ chối.
Sẽ giám sát chặt dự án sân bay Long Thành
Đầu tháng 12, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các ngành liên quan để lên kế hoạch tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương rà soát việc áp giá đất bồi thường, suất tái định cư cho dân, kết nối hệ thống giao thông… để trình Hội đồng Thẩm định nhà nước về dự án. Theo kế hoạch, giữa năm 2018, việc tái định cư sẽ bắt đầu.
"Với khối lượng công việc khổng lồ, tỉnh sẽ có ban chỉ đạo, xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, bố trí người biệt phái, giám sát và xử lý ngay các vấn đề phát sinh. Việc áp giá đất, giải phóng mặt bằng để làm dự án sẽ được công khai; đồng thời tăng cường sự giám sát của người dân, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở" - ông Vĩnh nhấn mạnh.
Bình luận (0)