xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Băn khoăn quản lý nhập khẩu gạo

MINH CHIẾN - NGỌC ÁNH

Trước đề xuất của Bộ Công Thương về quản lý nhập khẩu gạo, một số ý kiến cho rằng nhà nước không nên can thiệp bằng cách "không quản được thì cấm"

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107), trong đó có quy định về quản lý nhập khẩu gạo.

Nhiều bất cập

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 107, Bộ Công Thương cho rằng qua hơn 4 năm triển khai, nghị định này đã bộc lộ một số vấn đề bất cập trong quản lý, nhất là quản lý nhập khẩu gạo.

Theo Bộ Công Thương, với sản lượng lúa, gạo tương đối dồi dào, Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và hằng năm dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Do đó, khi xây dựng Nghị định 107, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh tại thời điểm xây dựng nghị định.

Còn hiện nay, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu gạo hiện nay là quá nhiều. Riêng trong năm 2021, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn, trong đó nhập khẩu từ Ấn Độ 719.970 tấn (chiếm hơn 72%). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu.

Bộ Công Thương nêu rõ việc nhập khẩu gạo tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ có khả năng ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh lúa gạo; sản xuất thức ăn chăn nuôi, bia, rượu và các sản phẩm từ gạo như bún, bánh… tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội. Vì thế, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Đó là cơ sở để Bộ Công Thương đề xuất bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107. Theo dự thảo, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.

Băn khoăn quản lý nhập khẩu gạo - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa tại An Giang Ảnh: An Na

Để không thua trên sân nhà

Đề xuất trên của Bộ Công Thương đang gây nhiều tranh luận.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), ủng hộ việc kiểm soát chặt đối với gạo nhập khẩu vì đây là mặt hàng "nhạy cảm", nhiều nước cũng có chính sách quản lý đặc biệt.

"Hiện nay, Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm và áp thuế xuất khẩu đối với gạo 25% nên lượng nhập về không nhiều. Trong tương lai, nếu Ấn Độ bỏ quy định này thì lượng hàng sẽ về rất lớn. Phân khúc gạo khô cơm để làm bột và thức ăn cho gia súc thì nông dân dư sức làm nhưng nhà nước phải có định hướng. Thị trường có sẵn, chúng ta nên tận dụng để không thua trên sân nhà" - ông Thành nêu quan điểm.

Trong khi đó, một số chuyên gia bày tỏ không đồng tình, cho rằng việc cơ quan quản lý nhà nước vẫn đặt vấn đề kiểm soát chặt gạo nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước là biểu hiện của tư duy "không quản được thì cấm".

Trao đổi vào chiều 20-11, một thành viên trong Ban Chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng việc đặt vấn đề kiểm soát gạo nhập khẩu để bảo đảm an ninh lương thực, đời sống người trồng lúa là không phù hợp với thực tiễn ngành lúa gạo hiện nay. 

"Do diện tích canh tác của mỗi hộ nông dân Việt Nam ít, cây lúa có giá trị thấp nên hiệu quả mang lại không bằng những cây trồng khác. Chỉ nên trồng lúa gạo ở những vùng có lợi thế, có giá thành thấp và Việt Nam cũng đã có chủ trương giảm sản lượng gạo xuất khẩu xuống 4 - 5 triệu tấn để tập trung cho chất lượng, hiệu quả. Không chỉ về nhập khẩu mà với xuất khẩu gạo, các ý kiến cũng cho rằng nên bỏ các điều kiện kinh doanh, để các doanh nghiệp tự do tham gia như đối với các ngành hàng nông sản khác" - vị lãnh đạo này nói. 

Chưa có chế tài đủ mạnh đối với thương nhân vi phạm

Theo Bộ Công Thương, Nghị định 107 hiện quy định thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, tình hình thực tế tồn kho. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định, gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cũng nêu rõ hiện chưa có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe để áp dụng đối với những hành vi vi phạm về chế độ báo cáo và các trách nhiệm khác của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

M.Chiến

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Chú ý chống gian lận xuất xứ

Thế giới là một thị trường, hãy để thị trường điều tiết chứ không nên ngăn chặn các dòng chảy hàng hóa bằng những mệnh lệnh hành chính. Ví dụ Việt Nam nhập lúa gạo từ Campuchia khá nhiều, bản chất là gạo do người Việt Nam sang trồng đem lại hiệu quả cho người trồng, doanh nghiệp. Còn nông dân trong nước sẽ chọn những phân khúc gạo có lợi thế cạnh tranh, có hiệu quả chứ không nhất thiết phải trồng tất cả những loại gạo mà thị trường cần, cho dù giá thành không cạnh tranh.

Theo tôi, không nên lo ngại việc nhập khẩu gạo làm cho giá lúa gạo trong nước giảm. Thực tế, năm 2021, nhập khẩu lúa gạo nhiều nhưng giá lúa gạo vẫn cao, nông dân có lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm.

Ngược lại, việc kiểm soát cần thiết đối với gạo nhập khẩu lúc này là đừng để doanh nghiệp mua gạo giá rẻ từ Ấn Độ rồi thay bao bì thành gạo Việt Nam để xuất khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam mà cả ngành đã xây dựng trong nhiều năm. Việc chống gian lận xuất xứ phải được lưu tâm khi lượng gạo nhập khẩu gia tăng.

Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro (TP HCM):

Không có gì đáng lo

Việc kiểm soát của nhà nước thường bằng cách khống chế hạn ngạch hoặc tăng thuế nhập khẩu… Điều này sẽ làm cản trở thương mại tự do, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp một cách không cần thiết.

Hiện nay, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu ở phân khúc giá rẻ dùng trong thức ăn chăn nuôi và chế biến bột (bún, bánh, phở, nui…) giúp kiểm soát giá thành những mặt hàng này, cũng góp phần kiềm chế lạm phát. Đối với ngành lúa gạo hiện nay, cơ quan quản lý nắm được đầu vào (sản xuất) - đầu ra (làm giống, chế biến, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu) để phục vụ điều hành, không cần có thêm biện pháp quản lý. Việt Nam chỉ nhập 1 triệu tấn gạo/năm trong khi xuất khẩu đến 6 - 7 triệu tấn/năm và sản xuất đến 22 - 24 triệu tấn/năm là không có gì đáng lo.

Ng.Ánh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo