Sáng 23-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường làm rõ những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng và dự Luật Tố cáo (sửa đổi) vào buổi chiều.
Trái cam kết quốc tế
Cho ý kiến về vấn đề liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng quy định "nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam" là trái cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa
dữ liệu Ảnh: Nguyễn Nam
Đồng thời, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam ký kết tháng 2-2016 cũng có điều khoản: "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó, để triển khai công việc". Hiện Việt Nam đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quy định về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin không thay đổi so với TPP và phía Việt Nam cũng không đòi hỏi thay đổi.
Do đó, theo ĐB Thúy, Luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết ông cũng quan tâm đến quy định các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam. "Quy định này liệu có tạo ra rào cản thương mại cản trở hoạt động kinh doanh và người dùng hay không?" - ông đặt câu hỏi và cho rằng khi DN nước ngoài thu lợi nhuận ở Việt Nam thì phải bình đẳng như DN trong nước.
Theo ĐB Cầu, hiện nay 14 nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này. "Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ chứa dữ liệu, vì máy chủ này cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không chỉ cho một nước cụ thể. Vì sao các nước đó làm được, chúng ta không làm được?" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện. Theo ông Hiếu, để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Chẳng hạn, ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả.
Phản hồi, ĐB Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ thực trạng đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo trên lãnh thổ Việt Nam thì không thể biết họ là ai. Trong khi đó, yêu cầu DN nước ngoài (nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam) thì họ không cung cấp. Như vậy, chúng ta "tịt" toàn bộ vụ án!
Sửa Luật Tố cáo, lo bỏ sót tội phạm
Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) diễn ra chiều cùng ngày, nhiều ĐBQH cho rằng cần thiết phải quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu.
Về dự Luật Tố cáo trình QH xem xét, Chính phủ cho biết đã tiếp thu ý kiến của một số ĐBQH và chỉnh lý theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức). Lý do vì Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chưa có quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra vấn đề này của Ủy ban Pháp luật của QH lại cho rằng khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo). Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, bất kể người có hành vi vi phạm đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần bổ sung quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức đã nghỉ hưu khi đương nhiệm vi phạm pháp luật mà chưa bị phát hiện. Mặc dù Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chưa có quy định về xử lý đối với người đã nghỉ hưu nhưng nếu không quy định là bỏ sót tội phạm, không để "hạ cánh" là an toàn.
Riêng nội dung có nên mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thay vì chỉ có 2 hình thức là tố cáo trực tiếp và gửi đơn như hiện nay hay không vẫn chưa có sự thống nhất cao tại QH. Báo cáo của Chính phủ đề xuất vẫn giữ 2 hình thức như hiện hành trong khi cơ quan thẩm tra đề xuất mở rộng. Đa số ĐBQH tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra vì cho rằng như vậy là phù hợp với sự phát triển của trình độ công nghệ thông tin hiện nay. Còn những ý kiến không tán thành mở rộng hình thức tố cáo cho rằng nếu tiếp nhận tố cáo qua email, điện thoại, fax sẽ rất phức tạp, quá tải vì trong thực tế, tỉ lệ nội dung đơn thư tố cáo đúng sự thật khá thấp.
Giải trình về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết tiếp nhận, giải quyết tố cáo qua điện thoại, email, fax là khó khả thi. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc phối hợp với cơ quan thẩm tra cân nhắc tiếp thu, đưa nội dung này vào luật.
Nợ công không gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước
Sáng 23-11, với 85,74% ĐB tán thành, QH thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Theo đó, điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính được quy định là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công. Ngoài ra, nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước không được đưa vào phạm vi nợ công của Luật Quản lý nợ công sửa đổi.
Giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết việc quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm nhà nước về nợ công là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Mặt khác, nội dung này còn đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.P.Nhung
Bình luận (0)