Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ 2015 đến 2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em với gần 8.600 đối tượng xâm hại; số trẻ em bị xâm hại gần 8.100 trẻ, trong đó số trẻ em nữ gấp 7 lần số trẻ em nam. Năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, trong đó 6 tháng đầu năm có đến 1.400 trẻ.
Đáng chú ý, trong các vụ xâm hại trẻ em, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân trong gia đình chiếm 21,3%; bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%. Nhiều vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội.
Bị cáo Nguyễn Trọng Trình xâm hại tình dục bé gái 9 tuổi ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bị tuyên án chung thân Ảnh: HOÀNG HẢI
Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý gần 1.200 vụ vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em với mức trung bình mỗi năm xử lý 261 vụ, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhiều vụ xâm hại trẻ em có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, khởi tố bị can sai tội danh nhưng chưa kịp thời yêu cầu khắc phục (ví dụ như 2 trường hợp dâm ô tại TP Hà Nội bị xử phạt hành chính và vụ xâm hại cháu gái 9 tuổi ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).
Việc ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề xuất biện pháp tiêm thuốc triệt sản xuất phát từ tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. "Ở các nước, người ta phát triển những loại thuốc, khi tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba trường hợp là xã hội yên ổn ngay" - bà Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đề xuất này có nhiều ý kiến trái chiều. ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng hành vi xâm hại trẻ em là vô đạo đức, không thể chấp nhận, cần phải bị trừng trị nghiêm minh nhưng việc tiêm triệt sản cần phải thảo luận và nghiên cứu kỹ hơn. "Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rất rõ những hành vi xâm hại đến trẻ em và những tội này bị trừng trị rất nghiêm khắc. Đối tượng phạm tội sẽ phải thi hành bản án, hết bản án họ vẫn còn vợ con, cũng có những quyền được sống như một người bình thường. Nếu chúng ta áp dụng tiêm thuốc triệt sản thì họ bị mất khả năng sinh sản, liệu có hợp lý hay không?" - ông Hòa băn khoăn.
Điều ĐB Phạm Văn Hòa lo lắng là hiện nay trong nhiều vụ việc, vụ án, việc xử lý hành vi xâm hại trẻ em chưa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Thực tế ở nhiều vụ án, các đối tượng thực hiện hành vi vô đạo đức vẫn chưa bị xử lý hoặc chưa bị truy tố. Nhiều vụ án giám định pháp y vào cuộc quá muộn nên không đủ căn cứ, chứng cứ, rất khó xử lý. "Như vụ án ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô đối với cháu bé trong thang máy ở TP HCM khiến dư luận rất bức xúc nhưng cơ quan chức năng vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều" - ông Hòa dẫn chứng.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích có hai yếu tố thúc đẩy hành vi xâm hại tình dục, đó là bệnh lý và đạo đức. Đối với yếu tố bệnh lý, nhu cầu tình dục của đối tượng này lớn hơn rất nhiều so với những người bình thường nên không kiểm soát được hành vi, lấn át vấn đề đạo đức. Thậm chí, sau khi bị phát hiện, bị xử lý, bị phạt tù trở về, nguy cơ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội của họ là rất cao. Do vậy, cần nghiên cứu và bổ sung biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng này.
Bình luận (0)