Sự việc chị P.H.V (20 tuổi, sinh viên của một trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội), bị nam thanh niên tên Đ.M.H (SN 1982, quê ở Hải Phòng) sàm sỡ ngay trong thang máy khu chung cư nhưng sau đó, người này 2 lần hẹn đến xin lỗi nhưng đều không có mặt. Hành vi này thể hiện thái độ coi thường pháp luật, nạn nhân khiến dư luận bức xúc.
Rất khó chứng minh
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng với hành vi này của ông H. các cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, luật pháp hiện có những kẽ hở để những "yêu râu xanh" có cơ hội thoát tội.
Theo bà Hồng, trong nhiều trường hợp ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều khi có những trường hợp quấy rối tình dục hay "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" nhưng cơ quan chức năng sở tại lại xử lý những tội danh không đúng chuẩn. Phải khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hay các cơ quan khác gửi văn bản đề nghị, đốc thúc thì cơ quan chức năng mới xem xét thay đổi tội danh hoặc khởi tố vụ án.
Luật sư (LS) Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng LS Nguyễn Anh, Đoàn LS TP Hà Nội), cho hay trong các trường hợp bị quấy rối tình dục, nếu người bị sàm sỡ là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì có thể xem xét hành vi của đối tượng sàm sỡ về tội "Dâm ô đối với trẻ em". Tuy nhiên, nếu hành vi của đối tượng không xâm hại đến vùng kín của nạn nhân thì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội này.
LS Thơm dẫn chứng hành vi sàm sỡ của nam thanh niên trong thang máy có thể xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ. Cụ thể, quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi như: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác". Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục không đủ yếu tố để cấu thành tội "Làm nhục người khác" nếu không có hậu quả, cần chứng minh đó là nạn nhân cảm thấy vô cùng nhục nhã, tủi hổ, ê chề.
Theo LS Thơm, các quy định pháp luật như Bộ Luật Hình sự 2015, Bộ Luật Lao động 2012 hay các luật khác của Việt Nam chưa hề có định nghĩa chính xác thế nào là quấy rối tình dục. Đây là loại tội phạm rất khó chứng minh. Tuy nhiên, các nạn nhân vẫn có thể phải gánh chịu sự tổn thương lớn và khủng hoảng về tinh thần.
Cần chế tài riêng
Cũng theo LS Thơm, ở nhiều nước trên thế giới, quấy rối tình dục được coi là vi phạm pháp luật và có những chế tài cụ thể xử lý tương ứng với từng mức độ của hành vi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hành vi quấy rối tình dục lại thường bị xử lý hành chính rất nhẹ, chưa được luật hóa trong pháp luật hiện nay. Đây là một thực tế rất cần được xem xét lại bởi nếu không có một tội danh cụ thể cho hành vi này sẽ rất khó xử lý một cách nghiêm minh. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ những nhóm hành vi phạm tội nghiêm trọng để thêm vào các nhóm tội danh cụ thể để đưa vào luật thì mới có thể xử lý hình sự được.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), chia sẻ: "Để đưa vào luật ở Việt Nam, cần phải xem xét về cả phương diện đạo đức xã hội thì mới hài hòa được. Nếu chỉ nhìn vào góc độ pháp luật thì hơi cực đoan, chỉ nên luật hóa một số loại hành vi nhất định chứ không thể bao trùm hết tất cả hành vi".
Chưa thể đưa ngay vào luật
Theo ông Sơn, hành vi quấy rối tình dục nên đưa vào luật nhưng để làm việc này là rất khó, bây giờ vẫn cần có chế tài để hạn chế những hành vi này, sau đó các cấp có thẩm quyền mới xem xét bàn thảo, việc này cần có thời gian.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định khung xử phạt đối với tội quấy rối tình dục ở Việt Nam hiện quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Luật sửa đổi, bổ sung mới ban hành nên chưa thể đưa ngay vào luật được. Tuy nhiên, trước mắt cần nghiêm túc xem xét, tính toán để có những chế tài rõ ràng đối với những hành vi này. Ở những trường hợp có hành vi quấy rối tình dục lần đầu phải tăng nặng khung hình phạt hành chính, nếu tái diễn thì khung hình phạt sẽ phải rất nặng và có thể xem xét đến việc công khai nhân thân người vi phạm.
Bình luận (0)