Một trường hợp điển hình bị trung tâm này từ chối công nhận văn bằng tiến sĩ được viện dẫn. Người này học chương trình tiến sĩ giáo dục học, ngành giảng dạy tiếng Anh trong thời gian 4 năm, từ tháng 5-2011 đến tháng 12-2015. Tuy nhiên, "tiến sĩ" này không sang học trực tiếp tại cơ sở của trường đại học ở Malaysia mà chỉ sang nước này 4 lần, tổng cộng 8 ngày.
Đây cũng chỉ là một câu chuyện, một mặt phản ánh của thực trạng bằng cấp không đúng thực học của đất nước hôm nay. Không chỉ bằng cấp từ nước ngoài chưa được kiểm định, công nhận mà chất lượng của nhiều cơ sở đào tạo trong nước cũng không đồng đều.
Loạn bằng cấp là cụm từ được nói nhiều để chỉ tình trạng bát nháo, không kiểm soát nổi về chất lượng, quy mô, hình thức liên quan đến sự học và công nhận của cơ quan chuyên môn. Nghe đến nhức cái đầu bởi bằng giả học giả, bằng giả học thật hay bằng thật mà học giả. Nhiều thứ cứ lẫn lộn, thậm chí đánh tráo khái niệm. Từ đó giá trị thực chất đi kèm với danh xưng cũng được dư luận xã hội đem ra soi rọi, lật tìm mặt phải trái, đúng sai.
Dư luận có lý và có quyền làm điều đó vì thực chất tình trạng sính bằng cấp lan tràn, chất lượng chuyên môn của người sở hữu tấm bằng không tương xứng danh xưng trên tấm bằng. Thời nay, tiến sĩ giấy, phó giáo sư dỏm cũng quá nhiều, khiến cho giáo sư - tiến sĩ thực thụ, những người tài năng đích thực cũng phải chạnh buồn vì môi trường danh vọng bị khuấy động, làm vẩn đục ít nhiều. Cười sao nổi khi kẻ hám danh, không thực tài in trên danh thiếp đầy rẫy chức danh ông (bà) ta kiếm được bằng mọi thủ đoạn chứ không phải vì tài năng. Thói háo danh nặng đến nỗi thư mời hay giới thiệu trong một buổi hội họp mà thiếu một chức danh kiêm nhiệm là đã bỏ bụng giận hờn. Giáo sư, phó giáo sư mà không nghe nói được tiếng Anh, không có bài báo khoa học, không có công trình học thuật có giá trị. Mang danh luật sư mà không hiểu luật, hành xử sai luật cũng không ít trong xã hội hôm nay.
Ai cũng biết những người này cần bằng cấp, tìm mọi cách để có được, để giấu đi quá khứ "ít học", để khoe rằng ta đây nay "nhiều chữ"; để được lọt vào quy trình, quy hoạch, để đủ tiêu chuẩn ngồi vào những chiếc ghế oai phong. Họ bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích, để vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm sau những tấm bằng mà họ không xứng đáng có nó, không đủ đức tài để có tấm bằng thực chất, nên họ đạp người này đội người kia mà sống, quen thói cư xử giành giật và vênh váo của kẻ tiểu nhân.
Đất nước sẽ về đâu khi không sản sinh ra những thế hệ trí thức tài năng, nhà khoa học đầu ngành, khi nền giáo dục đào tạo ra những thế hệ học sinh ngày càng đuối dần về sức học, kiến thức, kỹ năng… Khi chất lượng giáo dục kém, đất nước sẽ tụt hậu dài. Người dân sẽ có thêm lòng tin khi các cơ quan chức năng xử lý thích đáng với những người vi phạm, không bổ nhiệm người tài hèn đức mỏng.
Bình luận (0)