Ngày 11-12, HĐND TP HCM phối hợp cùng Đài Truyền hình thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 12-2022 với chủ đề "Đăng ký và quản lý cư trú".
Nhiều thắc mắc của cử tri được giải đáp tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 12-2022. Ảnh: QUỐC ANH
Người dân không phải lo lắng
Tại chương trình, vấn đề cử tri quan tâm nhiều là nếu không còn sử dụng hộ khẩu thì thông tin của cá nhân, gia đình khi tích hợp vào tài khoản định danh điện tử có thể bị lộ hay không? Giải pháp của cơ quan chức năng là gì để người dân yên tâm làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip và tài khoản định danh điện tử?
Cử tri cũng băn khoăn về việc nếu các ứng dụng độc hại vô tình cài trên điện thoại thì dữ liệu cá nhân hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID có thể bị truy cập bất hợp pháp. "Với việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân lo lắng lọt, lộ thông tin về tài sản cá nhân. Vấn đề này ngành công an hỗ trợ quản lý như thế nào?" - cử tri Dương Văn Long (quận Phú Nhuận) đặt câu hỏi.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP HCM, thông tin sau ngày 31-12 thì sứ mệnh của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú kết thúc và được thay thế bằng phương thức mới. Cơ quan chức năng đang tuyên truyền về tính năng, tiện ích của CCCD gắn chip cũng như tính bảo mật của CCCD gắn chip và định danh điện tử.
Theo đó, CCCD gắn chip do Bộ Công an sản xuất, khi dùng thiết bị đọc thì hiển thị nhiều thông tin và người dân dùng trong các giao dịch hành chính, dân sự. Ngoài ra, tài khoản định danh điện tử có nhiều ưu việt. Bên cạnh tính năng tương tự CCCD, tài khoản định danh điện tử tích hợp thông tin nhiều loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế… Khi tích hợp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 xong, người dân dùng tài khoản này vào các giao dịch mà không cần mang theo nhiều loại giấy tờ nữa.
"Với CCCD gắn chip, Bộ Công an đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, thuật toán tiên tiến để bảo mật nên kẻ gian khó xâm nhập dữ liệu nhằm lấy cắp thông tin. Trong khi đó, khi cài tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thì dữ liệu không lưu trên thiết bị cài mà lưu trên hệ thống định danh điện tử. Do đó, các mã độc không thể xâm nhập hệ thống. Cử tri hãy yên tâm" - thượng tá Hồ Thị Lãnh nhấn mạnh. Theo thượng tá, Bộ Công an chưa có quy định cập nhật tài sản lên định danh điện tử.
Công dân ở TP Thủ Đức làm căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Ý LINH
Bổ sung hoặc bãi bỏ nhiều văn bản
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, thông tin đến cử tri thành phố về việc rà soát các thủ tục hành chính phải sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trước thời điểm kết thúc sứ mệnh của 2 loại sổ này.
Theo đó, hiện còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định khi thực hiện thủ tục hành chính phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an TP HCM đề nghị UBND thành phố xử lý 11 văn bản, trong đó có 2 nghị quyết của HĐND và 9 quyết định của UBND TP HCM.
"Trên tinh thần đó, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành xử lý những văn bản này, thay thế, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của UBND TP HCM và sẽ phối hợp với Công an thành phố xử lý những văn bản này theo đúng quy định pháp luật" - ông Vũ nói.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM, khẳng định người dân cứ yên tâm. Đến ngày 15-12, tất cả thủ tục yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký tạm trú sẽ được giải quyết để đến ngày 31-12 là thực hiện đồng bộ trên cả nước chứ không riêng gì TP HCM.
Theo Phó Giám đốc Công an TP HCM, việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là hết sức kịp thời, cần thiết. Vì đây là vấn đề mới nên quá trình làm còn khó khăn, cần tiếp tục điều chỉnh.
"Cử tri yên tâm, chúng tôi vẫn tiếp tục làm để dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật, điều chỉnh thường xuyên với tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống". Chúng tôi mong muốn người dân tiếp tục phối hợp với lực lượng công an làm CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch tốt hơn" - Thiếu tướng Trần Đức Tài nhấn mạnh.
Các phương thức thay thế
Theo Công an TP HCM, các phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sau ngày 31-12-2022 để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính gồm: sử dụng CCCD gắn chip, giấy xác nhận thông tin cư trú, sử dụng thông báo số định danh cá nhân, tra cứu khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.
Các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng thiết bị đọc mã QR trên CCCD gắn chip sẽ hiện 7 thông tin; sử dụng thiết bị đọc chip trên CCCD sẽ hiển thị 16 trường thông tin.
Đến nay, Công an TP HCM đã thu nhận gần 7 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chip, đã trả người dân 5,5 triệu CCCD. Công an TP HCM cũng đã cấp 1,2 triệu tài khoản định danh điện tử.
Bình luận (0)