Ngày 20-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
Chủ động các biện pháp
Báo cáo tại phiên họp, các bộ cho biết đã tích cực, chủ động triển khai công tác chuẩn bị Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, bộ đã thực hiện các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Bộ đã tính toán sức mua trên thị trường tăng khoảng 10%-12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của doanh nghiệp (DN) ước tăng khoảng 20%-25% so với các tháng thường trong năm. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia cầm, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Về công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt heo, các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối đã cam kết giảm giá bán ra thị trường. Từ ngày 28-12-2019, giá thịt heo cũng đã giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg.
Về tình hình đi lại, tàu xe dịpTết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự báo lượng khách tăng 25%-45% so với ngày thường. Hành khách đi lại bằng đường hàng không ước tăng khoảng 22% so với ngày thường, đạt khoảng 12 triệu khách. Tổng số chuyến bay đi - đến các cảng hàng không Tết 2020 dự kiến gần 73.000 chuyến, trung bình 2.350 chuyến/ngày. Đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT dự kiến nhu cầu đi lại tăng 11% so với năm trước, trung bình 130.000 khách/ngày. Tổng số chuyến bay đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2020 là gần 30.000 chuyến, trung bình 956 chuyến/ngày. Hiện nay, năng lực khai thác của sân bay này là 44 chuyến/giờ ban ngày và 32 chuyến/giờ ban đêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Chính phủẢnh: TTXVN
Cũng tại phiên họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay đã triển khai nhiều giải pháp ổn định thị trường và đáp ứng khả năng thanh toán trong dịp Tết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khất, hoãn chi tiền mặt cho khách hàng, ảnh hưởng đến lưu thông tiền mặt. Bộ Công an mở tháng cao điểm trấn áp tội phạm; triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, trong đó có Nghị định 100/CP. Đặc biệt là tội phạm tín dụng đen được đẩy mạnh trấn áp, xử lý.
Về chi lương thưởng Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), báo cáo tính đến ngày 17-1, có 40/63 tỉnh, thành báo cáo tình hình lương, thưởng Tết của người lao động với gần 25.000 DN, hơn 3,15 triệu lao động. Tiền lương bình quân chung ước đạt 7,8 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% so với năm 2018. Khoảng 89,3% DN dự kiến có thưởng Tết nguyên đán với mức bình quân hơn 6,7 triệu đồng/người, tương đương 1 tháng lương. Hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách được triển khai sâu rộng. Các địa phương dự kiến mức chi lớn cho công tác này như TP HCM trên 830 tỉ đồng, Hà Nội trên 395 tỉ đồng, Hải Phòng trên 207 tỉ đồng...
Không để công nhân bị thiếu lương
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đề ra phương án, biện pháp cụ thể.
Từ báo cáo của Bộ Công Thương, Thủ tướng đánh giá cao Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có chỉ đạo cụ thể để giữ giá, nhất là giảm dần giá thịt heo xuống như trước đây. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được để thiếu hàng hóa, bảo đảm chất lượng, không được nâng giá, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Dành nhiều sự quan tâm đến công nhân, người lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan, nhất là các DN phải bảo đảm tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. "Không được để một công nhân nào bị thiếu lương trong dịp Tết" - Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý trong trường hợp chưa thể giải quyết, cấp lương đầy đủ thì tạm ứng, sau này có cơ chế xử lý tiếp.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến việc chuẩn bị hàng hóa, bảo đảm phục vụ nhu cầu cho người dân miền núi, nông thôn, vùng thiên tai. Ngành nông nghiệp và các địa phương bảo đảm phương án sản xuất, không để người dân thiếu nước sạch, nhất là ở ĐBSCL. Lực lượng biên phòng, quản lý thị trường các địa phương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần quyết liệt phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm thanh toán của hệ thống ngân hàng thuận lợi cho người dân.
Trước tình hình tàu xe, đi lại trong dịp Tết, Thủ tướng chỉ đạo ngành GTVT có giải pháp để bảo đảm đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân; tăng cường kiểm tra để kịp thời xử lý các tình huống trong dịp cao điểm, quyết tâm "không để ai phải ở lại bến xe, ga tàu".
Thủ tướng còn lưu ý đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn để người dân đón Tết, nhất là khu vực nông thôn, chống trộm cắp, cướp giật, đặc biệt không để xảy ra các điểm nóng trong dịp Tết.
"Ngay sau Tết phải bắt tay ngay vào làm việc, tiếp tục kiểm soát tốt lễ hội sau Tết ở từng địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn" - Thủ tướng lưu ý thêm.
Cần giải pháp mới hơn để điều hành
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Thủ tướng mong muốn Tổ Tư vấn kinh tế tham mưu, hiến kế để làm sao tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có giải pháp mới hơn để điều hành nhằm ổn định và phát triển. Thủ tướng lưu ý đến nhiệm vụ dài hạn là có giải pháp để thoát bẫy thu nhập trung bình, không để tình trạng "chưa giàu đã già" xảy ra.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, Thủ tướng đề nghị Tổ Tư vấn kinh tế cần theo dõi sát tình hình để kịp thời phát hiện vấn đề mới, tham mưu cho Thủ tướng, nhất là các biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh chính sách. Nhấn mạnh thêm sự linh hoạt và kịp thời trong chính sách là rất quan trọng với công tác điều hành, Thủ tướng kỳ vọng các thành viên trong Tổ Tư vấn kinh tế phát huy hơn nữa vai trò, sở trường nhằm nâng cao chất lượng ý kiến tư vấn, bảo đảm tính thực tiễn, thiết thực, khách quan, độc lập, thẳng thắn, vì lợi ích chung của đất nước.
Bình luận (0)