xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo mẫu đánh đập dã man trẻ có thể bị xử lý hình sự không?

TÂM QUÂN

(NLĐO) – Luật sư cho rằng hành vi của bảo mẫu đánh đập dã man trẻ khi cho ăn đã đủ yếu tố cấu thành tội "Hành hạ người khác".

Clip bảo mẫu Trân đánh đập trẻ một cách dã man

Những ngày qua, dư luận lại "dậy sóng" trước việc một bảo mẫu ở nhóm trẻ "Sắc Màu Tuổi Thơ" (phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đánh đập dã man các trẻ khi đang cho ăn. Hiện tại, nhóm trẻ này đã bị đình chỉ hoạt động; còn bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ cũng đã bị lực lượng công an mời lên làm việc. Ngoài ra, các trẻ bị bạo hành cũng được đưa đi giám định thương tích để làm cơ sở xử lý đối với hành vi của bảo mẫu bạo hành.

Dư luận đặt ra câu hỏi với những hành vi gây phẫn nộ của bảo mẫu này thì liệu có bị xử lý hình sự hay không? Báo Người Lao Động ghi nhận ý kiến phân tích của giới luật sư về vụ việc này.

Theo luật sư Trần Văn Sỹ, Trưởng Văn phòng Luật sư Văn Sỹ (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long), hành vi của bảo mẫu Trần Thị Bảo Trân đã vị phạm khoản 6, Điều 4 của Luật Trẻ em 2016: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại sức khỏe, thân thể; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em".

Bảo mẫu đánh đập dã man trẻ có thể bị xử lý hình sự không? - Ảnh 3.

Ảnh cắt ra từ clip

Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Theo Điều 27, Nghị định 144/2013 của Chính phủ, mức phạt tiền là từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi "Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm".

Về xử lý hình sự: Nếu hành vi gây tổn hại ở mức độ nghiêm trọng hơn như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp lực về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: Đánh đập, giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho mặc đủ ấm… thì có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 140 của Bộ Luật Hình sự 2015 hoặc các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…

Trong khi đó, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), cho rằng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc bảo mẫu hành hạ, đánh đập trẻ em. Vấn đề này hiện nay đã không còn là nỗi lo cho mỗi gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội, bởi lẽ trẻ em là tương lai cho đất nước và với nỗi ám ảnh như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, nhận thức của trẻ nhỏ. Đã có những phiên tòa xét xử về những hành vi này, nhưng dường như những mức án đưa ra vẫn chưa đủ sức răn đe. Đối với vụ bảo mẫu đánh đập dã man trẻ em khi cho ăn tại cơ sở nhóm trẻ "Sắc Màu Tuổi Thơ" do bảo mẫu Trần Thị Bảo Trân gây nên thì đã đủ yếu tố cấu thành tội "Hành hạ người khác" theo khoản 2, Điều 140 Bộ Luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam. Bên cạnh đó, cần xem xét vai trò, trách nhiệm của bảo mẫu khác đứng gần đó nhưng chẳng có phản ứng gì, của người đưa khúc cây nhựa cho bảo mẫu Bảo Trân đánh đập một bé. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ về trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Huyền Trang (chủ cơ sở nêu trên) trong vụ án này, như: về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề dạy dỗ của các bảo mẫu trong cơ sở này… nhằm nhanh chóng đưa ra xử lý, góp phần răn đe và phòng ngừa chung.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 24-8, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều đoạn clip quay cảnh một bảo mẫu nhóm trẻ "Sắc Màu Tuổi Thơ" vừa cho trẻ ăn vừa dùng tay tát vào mặt, vào đầu; dùng cây lược, dùng cây nhựa… đánh vào đầu, vào tay các bé. Mặc dù các bé gào khóc nhưng bảo mẫu vẫn cố "nhét" thức ăn vào miệng trẻ trông rất dã man. Trong khi đó, một bảo mẫu khác đứng gần đó nhưng chẳng có phản ứng gì. Thậm chí, có người còn đưa khúc cây nhựa cho bảo mẫu này đánh đập một bé.

Đoạn clip sau đó lan truyền chóng mặt với những lời bình luận, chỉ trích của cộng đồng mạng về hành động của bảo mẫu trên.

Sáng 25-8, trả lời với báo chí, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, xác nhận vụ bảo mẫu nhóm trẻ "Sắc Màu Tuổi Thơ" đánh trẻ là đúng.

Cũng theo Thiếu tướng Bùi Bé Tư, tối 24-8, công an đã làm việc với bảo mẫu trên. "Bảo mẫu này thừa nhận do áp lực gia đình, 2 đứa bé không chịu ăn nên có tát 2 bé. Chúng tôi đang cho giám định sức khỏe 2 trẻ bị bảo mẫu này đánh để có những bước xử lý tiếp theo. Trước mắt, chúng tôi đang làm việc với địa phương để đề xuất đình chỉ nhà trẻ đó", Thiếu tướng Bùi Bé Tư xác nhận.

Trưa 25-8, bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1985), chủ cơ sở nhóm trẻ "Sắc Màu Tuổi Thơ", cho biết bản thân rất buồn và cảm thấy có lỗi với các bé và với phụ huynh. Ngay sau khi được một phụ huynh gọi điện và gửi cho xem video clip bảo mẫu Trần Thị Bảo Trân (SN 1997) đánh dã man các bé, bà Trang đã chủ động đến gặp và xin lỗi phụ huynh của các bé bị bảo mẫu Trân đánh và cũng nhận được sự chia sẻ của nhiều phụ huynh. Sau đó, bà Trang đã đến UBND phường Bình Khánh và Công an phường Bình Khánh trình báo sự việc và xin được tạm ngưng hoạt đông nhóm trẻ "Sắc Màu Tuổi Thơ", chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo