Từ năm 2012 đến nay, 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Lo ngại về bảo quản
Trong số 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận hồi tháng 1-2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội lưu giữ 5 bảo vật. Trong đó, 4 bảo vật tại Hoàng thành Thăng Long gồm: Đầu rồng thời Trần; sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê Sơ; bộ thành bậc Điện Kính Thiên; súng thần công thời Lê Trung hưng và 1 bảo vật tại khu di tích Cổ Loa là tượng vua An Dương Vương.
Như vậy, riêng trung tâm này hiện lưu giữ tới 9 bảo vật quốc gia (7 bảo vật tại Hoàng thành Thăng Long và 2 bảo vật tại khu di tích Cổ Loa). Phó giám đốc trung tâm, ông Nguyễn Hồng Chi, cho biết đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Trong đó, chú trọng công tác bảo vệ, bảo quản các bảo vật theo quy trình khoa học, phù hợp với từng chất liệu hiện vật. Từng bảo vật quốc gia đều được tạo mã QR, quản lý qua ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy giá trị, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng vừa tiến hành bảo quản thí điểm một phần Thềm Rồng theo quy trình khoa học đối với chất liệu đá. Trung tâm còn có kế hoạch xây dựng lại các chú thích nhận diện bảo vật quốc gia đã được công nhận trong thời gian tới.
Bộ tượng 10 linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017
Bắc Ninh hiện có 17 bảo vật quốc gia, phần lớn được tạo tác bằng gỗ và đá. Đây là những tài sản vô giá, không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học mà còn cả về chính trị, kinh tế.
Trong đó, Bảo tàng Bắc Ninh lưu trữ hơn 1.000 ván khắc của bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh - 1 trong 23 bảo vật quốc gia được công nhận năm 2021. Bảo tàng này đã mất nhiều công sức để có thể sắp xếp được các ván khắc lên trên giá kệ. Tuy nhiên, việc bảo quản bộ mộc bản này cần các trang thiết bị đi kèm. Thật khó giải quyết khi chính trụ sở Bảo tàng Bắc Ninh cũng đang xuống cấp trầm trọng.
Nhiều bảo vật quốc gia hiện được giao cho ban quản lý di tích địa phương quản lý. Vì thế, những lo ngại về an ninh càng trở nên cấp thiết. Những người quan tâm đến di sản còn nhớ vụ bảo vật quốc gia, kiệt tác vô giá - tượng Phật Quan Âm chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị mất vào tháng 9-2016 và cuối cùng may mắn tìm lại được.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chế độ bảo quản với một số bảo vật ở nhiều nơi chưa có nhiều thay đổi so với trước khi được công nhận. Trong khi đó, mỗi bảo vật có đặc thù khác nhau, việc bảo quản lại hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của các địa phương cũng như di tích, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, mai một và khó phát huy giá trị trọn vẹn.
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất thì khó khăn về con người cũng là điều mà nhiều bảo tàng địa phương gặp phải. Bởi lẽ, bảo vật quốc gia mỗi nơi mỗi khác, đa dạng hình thái, màu sắc, chất liệu. Nếu không có kiến thức, phương pháp bảo quản riêng biệt cho từng hiện vật thì khó kéo dài tuổi thọ của các bảo vật.
Phát huy giá trị bảo vật quốc gia
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Đạo Cương vừa ký văn bản đề nghị các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.
Theo đó, tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia. Trong đó, lưu ý có biện pháp phòng chống cháy nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Đối với bảo vật quốc gia lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính. Kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Việc bảo quản phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt. Trong quá trình bảo quản, phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật, đồng thời có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan, các chuyên gia về bảo quản (căn cứ theo loại hình, chất liệu, tình trạng của từng bảo vật quốc gia).
Ngoài ra, cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Bộ VH-TT-DL đề nghị báo cáo định kỳ về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia (kèm hình ảnh liên quan), gửi về bộ trước ngày 31-8 hằng năm.
Dự kiến áp dụng công nghệ 3D
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết các bảo vật quốc gia lưu giữ tại đây đang trưng bày tại tầng 1 và cả trưng bày trực tuyến. Bảo tàng đang trong giai đoạn hoàn thiện việc trưng bày nội dung.
Bảo tàng Hà Nội dự kiến áp dụng công nghệ 3D đối với những hiện vật là bảo vật quốc gia, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến du khách nước ngoài.
Bình luận (0)