Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, trạm khí tượng tại đảo Song Tử Tây đã quan trắc được gió bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Vị trí và dự báo đường đi của bão số 9
Hồi 16 giờ ngày 18-12, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách Bình Định - Khánh Hòa khoảng 550 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 16 giờ ngày 19-12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định - Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; ở khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8 -10 m; biển động dữ dội.
Từ đêm nay, ở vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, từ ngày mai tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6 - 8 m; biển động dữ dội; ở vùng biển ven bờ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ ngày mai tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4 - 6 m; biển động dữ dội.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: từ đêm 18-12 đến ngày 20-12, trên đất liền các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 9.
Cảnh báo mưa lớn: Từ đêm 18-12 đến hết ngày 19-12, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành và các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện và Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 17-12 về ứng phó bão số 9.
Ngoài quyết liệt đôn đốc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền tại nơi neo đậu cần tiếp tục bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho các tàu hoạt động ven bờ và ngư dân trên các lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy sản. Không loại trừ bão số 9 sẽ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền khi chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc, vì vậy phải sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn trên biển và đất liền.
Bình luận (0)