Vị trí và dự báo đường đi của bão số 9
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc, 110,6 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 210 km, cách Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 240 km, cách Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 310 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 370 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12.
Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 100 km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km.
Đến 7 giờ sáng 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc, 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và cách Phan Thiết 140 km, cách Vũng Tàu 230 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 200 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80 km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 19 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc, 108 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180 km tính từ tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9 đến 13 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 113 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 25-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc, 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7.
Ở TP HCM, chiều và đêm 24-11 có mưa rất to (phổ biến 200-250 mm) và có khả năng dông, lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6 m, vùng gần bờ cao 3-5 m.
Từ trưa và chiều 24-11, trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều 24-11.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 23-11 đến 26-11, các tỉnh, TP từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200 mm/đợt).
Bình luận (0)