xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo vệ quyền lợi của người bệnh

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, pháp luật về khám chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người bệnh

Ngày 13-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phân tâm bởi các gói thầu

Góp ý vào nội dung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Cũng theo ĐB này, nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Đối với khối tư nhân, cần có cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

"Nếu thả nổi giá cho khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Người bệnh phải trả chi phí cao khi không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như trong dịch Covid-19 vừa qua" - ĐB Nguyễn Thanh Cầm bày tỏ lo ngại.

Làm rõ thêm một số vấn đề, trong đó có việc quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư. Nhưng quản lý bằng rất nhiều công cụ, trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả công cụ đã được quy định trong pháp luật về giá.

"Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ cho y tế tư nhân phát triển tốt hơn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có các giải pháp đột phá, bởi dù đã có bước chuyển rất lớn nhưng hiện mới có 318 bệnh viện tư, 38.000 phòng khám của tư nhân.

"Chúng ta cần có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ liên quan đến dự thảo luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác về đầu tư, đất đai, ngân sách nhà nước" - Phó Thủ tướng cho hay.

Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nhấn mạnh dự án được xem xét trong bối cảnh ngành y tế đang trải qua khủng hoảng. Trong lúc dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn thì tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi.

"Nhiều người trong hệ thống y tế không dám đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế bởi sợ sai, sợ vi phạm" - ông Long nêu thực trạng và cho rằng những bất cập về khung khổ pháp luật là một trong những nguyên nhân.

Bảo vệ quyền lợi của người bệnh - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu tại phiên họp Ảnh: Nguyễn Nam

Theo ông Long, điểm bất cập hiện nay là mô hình kiêm nhiệm giữa chuyên môn và điều hành bệnh viện công. Giám đốc bệnh viện công giỏi chuyên môn, trải qua quá trình công tác lâu dài, tuy nhiên không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động bệnh viện. Không chỉ đến khi xảy ra tình trạng hàng loạt lãnh đạo bệnh viện công sai phạm thì những bất cập mới bộc lộ, ông Long dẫn chứng mới đây một bác sĩ đã từ chối làm giám đốc bệnh viện để tập trung chuyên môn, nghiên cứu.

"Bác sĩ vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì rất áp lực và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Lẽ ra bác sĩ khi vào phòng mổ chỉ tập trung chuyên môn cứu chữa người bệnh. Kiêm nhiệm quản lý, họ sẽ bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B. Trong các gói thầu, hợp đồng đó lại có vô số lợi ích đan xen, nếu không giải quyết được các mối quan hệ hoặc không thắng được cám dỗ thì vào tù chỉ là sớm hay muộn" - ông Long lo ngại.

Từ thực tế này, ông Long kiến nghị bổ sung quy định hoạt động chuyên môn và quản lý bệnh viện công; quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa các chức danh quản lý, điều hành. Luật cũng cần quy định xem xét nhân lực quản lý là tiêu chí bắt buộc đánh giá chất lượng bệnh viện, theo tiêu chuẩn chung thế giới. Chính phủ tiếp tục đề xuất mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy cho các bệnh viện công theo kế hoạch đã nghiên cứu trước đây.

Phải giám sát chất lượng

ĐB Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho rằng cần có sự giám sát, đánh giá chất lượng, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, thời gian qua vẫn xảy ra trường hợp các cơ sở y tế và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lạm dụng các chỉ định không phù hợp, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc, hành nghề theo kiểu "vẽ bậy", ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh. Vì vậy, cần thiết dự thảo luật phải xây dựng được một cơ chế đồng bộ để bảo đảm giám sát, đánh giá có hiệu quả về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế và của người hành nghề.

"Cơ chế đó phải bảo đảm phát huy vai trò giám sát, đánh giá toàn diện từ nhiều phía" - ĐB Cao Mạnh Linh kiến nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho biết trước đây dư luận đã phản ánh các trường hợp bệnh nhân phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Theo ĐB Hoàng Minh Hiếu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Từ thực tiễn này, ĐB Hoàng Minh Hiếu đề nghị phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Dự thảo mới đề cập mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề, tập trung vào một số quy định mang tính chung chung. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung các quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng nhấn mạnh việc triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong ngành y tế nảy sinh nhiều bất cập. Đó là tình trạng lạm dụng chỉ định dịch vụ xét nghiệm kỹ thuật cao quá mức cần thiết với các máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền người dân và bảo hiểm y tế. Theo bà Thủy, dự thảo có duy nhất điều 90 quy định về liên doanh, liên kết, tuy nhiên đang mang tính chủ trương, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ngày 14-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. 

Tháng 10-2023, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Theo nghị quyết, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo