xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khu dân dã kỳ lạ ở Sài Gòn

LÊ PHONG

(NLĐO) – Dân làng này lựa chọn một cách sống rất “kỳ lạ”. Họ lấy thước đo là sự bình yên, hạnh phúc thay vì lao lực để kiếm tiền như bao nơi khác. Mà "làng" thì nằm ...kế quận 1.

Nhân đợt thủy triều lên, anh Lâm- một người thích chụp ảnh, gọi điện thoại rủ tôi tới một địa điểm lạ mà anh vừa khám phá. "Ở đó chẳng khác gì cảnh ở vùng quê miền Tây"- anh Lâm "bật mí" . 

"Miền Tây" cách quận 1 chỉ…15 phút đi xe 

Cuối năm nhiều việc nên tôi ngại,  vội từ chối ngay. Nghe vậy anh Lâm lấy điện thoại ra mở một vài video trên một kênh Youtube có tên "Thú vui dân dã" và thuyết phục nếu phóng xe từ chợ Bến Thành ra đến đó đúng 15 phút. "Ở đó là khu vực nội thành TP nhưng dân trong làng sống với nếp sống chẳng khác gì ở vùng Đồng Tháp Mười. Hằng ngày, họ vẫn ra đồng chăm lúa, câu cá và hái rau"- anh Lâm mời gọi.

Thấy vừa lạ, vừa độc đáo tôi đồng ý ngồi sau xe anh để cùng khám phá.

Từ quận 1, chúng tôi men theo con đường trong bán đảo Thanh Đa ngoằn ngoèo. Xuyên qua những chung cư cũ kỹ và một mớ xe cộ tấp nập, rối rắm để đi vào hẻm 480 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Càng vào trong càng nhận thấy những khối bê tông không còn nữa. Thay vào đó là những căn nhà tranh, mái lá. Xung quanh là ao hồ nuôi cá và khá nhiều cây cầu khỉ bắc ngang qua.

Khu dân dã kỳ lạ ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Con đường vào hẻm 480 Bình Quới, quận Bình Thạnh, TP HCM

Lúc này, khách như thoát khỏi cảnh thành phố náo nhiệt xung quanh với những tòa nhà trọc trời, sừng sững như che chắn cả tầm nhìn của mọi người. 

Anh Lâm đưa tôi vào nhà của anh Hà Quốc Quy (39 tuổi) chơi. Căn nhà của anh Quy khá cũ kỹ. Phía trước lợp mái tranh và dọc đường vào là những ao cá trên đó mọc đầy các loại rau xanh mơn mởn.

Anh Quy kể dân ở khu vực này ai cũng biết nhau. Nhà nào cũng có một ao cá, một khu vườn rộng trồng đủ các loại rau và trái cây. Chỉ đơn giản là để không phí phạm đất đai và cũng để tự cung, tự cấp nguồn thực phẩm.

Khu dân dã kỳ lạ ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Người dân ở đây thường ngày hái rau, bắt cá và trồng hoa màu để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.

Còn lý do nằm kế trung tâm Sài Gòn nhưng khung cảnh ở đây quê trơ quê trất đơn giản là do đây là vùng thuộc quy hoạch "treo", đã 26 năm nay. Bà con không được xây dựng nên mọi thứ cứ giữ nguyên và đơn sơ vậy.

"Nhưng chính nhờ vậy đã khiến bà con rất hiền hòa, sống chậm rãi. Dân ở đây gặp nhau là gật đầu chào, cười nói vui vẻ. Đám giỗ vẫn còn phong tục cả làng kéo nhau tới nhà để mổ heo, xách bịch bịch khi ra về"- anh Quy vui vẻ nói.

Thích trồng rau, bắt cá; chán bon chen kiếm tiền

Nói về bản thân, anh Quy chậm rãi hồi tưởng. Gần 10 năm trước, anh từng đi khắp nơi để làm thuê, trong đó có thời gian dài làm trên tàu du lịch quốc tế. Tuy nhiên, cảm thấy cuộc sống quá bon chen, áp lực, anh quyết định trở về nhà, đắp lại ao cá, kiếm sống qua ngày.

Thấy nơi này trong tương lai sẽ không còn cảnh ao hồ, đồng ruộng, anh luyến tiếc dùng điện thoại ghi lại cuộc sống câu cá, hái rau, thả lưới để lưu giữ. Nhưng anh không ngờ những video này gây hiệu ứng lớn trên mạng và từ đó, Youtube đề nghị anh hợp tác, trả tiền quảng cáo cho những video "quê" của anh. Thế là mỗi tháng anh có thêm một khoản tiền. Tận dụng con đường nhỏ yên tĩnh như quê, cái hồ có cá đớp mồi gợn sóng lăn tăn, anh Quy dựng thêm mấy chòi nhỏ "làm du lịch". Hễ khi bắt được con rắn, con cá nào, anh chế biến bán cho khách.

Đánh giá về cuộc sống của mình, anh Quy hãnh diện: "Tôi, vợ và sấp nhỏ ai cũng thích cuộc sống gắn bó với đồng quê như hiện tại. Nó vừa nhẹ nhàng, vừa thấy mình không phải bon chen mệt mỏi. Không phải có tiền là an nhiên như tui đâu".

Từ nhà anh Quy, khách nhìn ra là mênh manh sông nước, ao cá. Còn xa xa là những tòa nhà chọc trời. Để "khoe" với khách, anh Quy dẫn tôi và anh Lâm đi đến khu trồng lúa của hàng xóm. 

Sau một hồi men theo các con đường, bờ kênh tôi đứng trước ruộng ông Đỗ Tấn Trung (59 tuổi). Người nông dân "100% Sài Gòn" này đang gom những bó lúa vừa cắt để đưa lên máy đập thủ công do ông tự thiết kế.

Khu dân dã kỳ lạ ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Ông Đỗ Tấn Trung đang thu hoạch lúa những ngày cận Tết

Khu dân dã kỳ lạ ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Đứng từ đồng lúa của ông Trung có thể nhìn thấy nhiều chung cư cao tầng ở quận 2

Ông Trung nói 4 năm trước có hơn 20 hộ làm lúa như ông nhưng hiện chỉ còn 8 nhà; vì mỗi khi vụ mùa tới việc thuê người rất khó khăn, do ngày công rẻ. Nếu làm thợ hồ, công nhân thì mỗi ngày cũng ít nhất 200.000 đồng, còn công cắt lúa chỉ được 120.000 đồng/ngày. "Giờ làm lúa chỉ là để không phải phí phạm đất và không phải tốn tiền mua gạo"- ông Trung phân trần.

Khu dân dã kỳ lạ ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Có bao nhiêu người dân Sài Gòn tự trồng lúa và thu hoạch để sử dụng như người ở đây

Sau đó, ông dẫn khách vào nhà chơi, trong khuôn viên đất rộng 9.000 m2. Ngoài đám ruộng, ông còn trồng bưởi, đậu đũa và nhiều loại rau sạch khác.

"Sau này, nơi đây quy hoạch và gia đình chú sẽ làm gì?"- tôi thắc mắc. Ông Trung cười hề hề: "Chắc phải mua khu đất nào đó vùng ven có hình hài tương tự như khu đất của tôi. Dân ở đây không muốn giàu mà bon chen. Tôi và bà con lối xóm thích cuộc sống dân dã như vậy".

Ông Trung kể về cuộc sống đồng ruộng ở TP HCM

Gần đó, bà Phạm Thị Ngọc (55 tuổi) đang tất bật hái mớ rau để chuẩn bị nấu canh cho 10 người trong ngôi nhà có đến 4 thế hệ của bà. Chẳng biết khi nào dự án được triển khai nhưng với bà điều sẽ khiến bà tiếc nuối chính là không còn những người hàng xóm tốt bụng. Sao bà có thể quên được vì ở đây hễ ai có việc gì cần thì chỉ lên tiếng là cả xóm kéo đến hỏi thăm, giúp đỡ. Nói chi đâu xa, năm ngoái khi bà lợp lại cái mái nhà thì 10 người hàng xóm đã đến chung tay, giúp đỡ nên chỉ trong vòng 1 ngày là xong. 

Bà Ngọc tâm sự: "Nói thật là tui sống như vậy mãi rồi quen. Thấy bình yên hẳn đi. Ra ngoài "phố" kẹt xe, giành nhau đi sao mà mệt mỏi quá. Tôi chỉ mong một điều sau này có thay đổi thì nếp sống và tình cảm hàng xóm cứ dành cho nhau mãi như vậy".

Điều mong mỏi của bà Ngọc cũng là niềm hy vọng của những vị khách "lỡ" 1 ngày lạc bước vào "miền Tây...ngay bên Bình Thạnh". 


Người dân ở đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh đi câu cá, bắt cua

Cuộc sống dân dã qua ghi nhận của anh Hà Quốc Quy, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM

Năm 1992, UBND TP HCM phê duyệt dự án quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa thành đô thị sinh thái hiện đại.

Năm 2004, UBND TP giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai.

Năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định. Sau đó, giao cho một đơn vị nước ngoài điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất.

Năm 2015, UBND TP đồng ý cho liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) thực hiện dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng.

Năm 2017, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì "đất sạch" vẫn chưa được bàn giao.

Như vậy 26 năm qua người dân ở đây không được xây nhà, tách thửa, sang nhượng đất đai, xây dựng đường đi, trường học... Từ đó, khung cảnh nơi đây như một vùng quê xa xôi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo