Hơn 2 tuần sau khi xảy ra vụ nước sinh hoạt nhiễm dầu, Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà (Nhà máy nước Sông Đà) mới đưa ra lời xin lỗi và cho biết sẽ miễn phí 1 tháng tiền nước cho khách hàng.
Xử lý nước nhiễm dầu chỉ bằng phèn và than
Tuy nhiên, anh Nguyễn Tiến Lộc (ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết từ khi xảy ra sự cố nước nhiễm dầu, dù TP khẳng định nước đã an toàn nhưng gia đình anh vẫn không dám uống, nấu ăn mà phải mua nước đóng chai và không biết đến bao giờ mới an tâm sử dụng trở lại.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, tại Nhà máy nước Sông Đà, nước đầu vào được bơm bằng 2 bơm. Tổng lượng nước thô đầu vào khoảng 320.000 m3/ngày đêm. Sau đó, nước thô được đưa vào 2 bể trộn thủy lực. Tại đây, nước được châm phèn từ 20-35 mg/lít (tùy theo chất lượng nước đầu vào).
Ngày 9-10, khi phát hiện dầu thải tràn vào nguồn nước thô, Nhà máy nước Sông Đà đã tăng lượng phèn đưa vào trong nước lên 70-80 mg/lít và bổ sung thêm than hoạt tính từ 10-15 mg/lít. Sau đó, nước đi vào trong 12 bể phản ứng, mỗi bể có dung tích 585 m3 và chia thành 3 ngăn lắng xuống đáy, rồi đưa nước xuống bể xử lý. Đến khi ra nước trong, nguồn nước này được đưa vào bể lọc nhanh rồi chuyển sang bể pha trộn clo để châm clo khử trùng từ 0,9-1,2 mg/lít.
Cần có công nghệ mới
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết Nhà máy nước Sông Đà đã được đưa vào hoạt động 11 năm nên việc các hệ thống, công nghệ xử lý bị lỗi thời là không tránh khỏi. Hiện nhà máy vẫn chưa có hệ thống cảnh báo tự động cũng như công nghệ xử lý nano.
"Lãnh đạo TP Hà Nội và chúng tôi đã rà soát, kiểm tra và nhận thấy một số công nghệ của Nhà máy nước Sông Đà đúng quá cũ. Thay nhà máy thì không khả thi nhưng bổ sung công nghệ thì có thể làm được" - ông Dục nói và cho rằng nếu Nhà máy nước Sông Đà có công nghệ nano thì nước rất sạch.
Nhà máy nước Sông Đà hoạt động đã 11 năm nên công nghệ lạc hậu
Khi được hỏi về việc TP có tiếp tục để Nhà máy nước Sông Đà cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thủ đô không, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt, công trình đặc biệt nên nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Theo ông Dục, nước nhiễm dầu là sự cố đáng tiếc. Sắp tới, TP sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm và bắt buộc nhà máy lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để báo về các sở, ngành của Hà Nội ngay khi có vấn đề phát sinh.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam - nhận định Nhà máy nước Sông Đà nằm trong hệ thống quy hoạch về cấp thoát nước cho TP Hà Nội. Nhà máy này là đầu mối gắn kết cho cả khu vực nên nếu quy hoạch lại thì sẽ ảnh hưởng đến điều tiết chung. Vì vậy, tốt nhất là phải điều chỉnh, thay đổi bằng những công nghệ mới.
Bịt lỗ hổng an ninh nguồn nước
Sau vụ nước nhiễm dầu thải, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng phải nhìn nhận những thiếu sót và bịt ngay các lỗ hổng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước ở Nhà máy nước Sông Đà nói riêng và các nhà máy nước khác nói chung.
Theo ông Sơn, ở Nhà máy nước Sông Đà, nếu chỉ doanh nghiệp thì không thể bảo vệ được toàn bộ nguồn nước trên sông, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cấp cao hơn theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ và các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hằng năm. Phải thiết lập một vùng bảo vệ, cấm tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm cho nguồn nước này.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước Sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khu vực cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Sông Đà.
Thiếu hệ thống xử lý chất độc
PGS-TS Trần Hồng Côn - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), chuyên nghiên cứu về lĩnh vực lọc nước - cho biết phèn, than hoạt tính lâu nay vẫn sử dụng để xử lý nước. Tuy nhiên, ở các nhà máy nước mặt, bắt buộc phải có công đoạn, công nghệ xử lý hàm lượng hữu cơ trong nước trước khi đưa đến người sử dụng. Ông Côn đặt câu hỏi: Vậy từ trước đến nay, Nhà máy nước Sông Đà có quan tâm và thực hiện công đoạn xử lý hàm lượng hữu cơ hay không? Nếu không thì nước đưa đến cho người dân sử dụng sẽ có những hàm lượng chất clo hữu cơ rất cao. Chất này rất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Sơn, phải thay đổi công nghệ kiểm tra chất lượng nước của Nhà máy nước Sông Đà bởi hiện nay, nhà máy này chỉ có thiết bị kiểm tra liên tục 3 chỉ tiêu là quan trắc độ đục, độ pH và nhiệt độ; còn những chất khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... lại không có. Vì vậy, nhà máy phải khẩn trương áp dụng thiết bị công nghệ mới với khả năng kiểm tra liên tục và chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện hàm lượng một số loại hóa chất độc hại trong nước trước khi đưa vào nhà máy.
Bình luận (0)