Theo thống kê của Công an TP HCM, từ năm 2017 đến quý I/2019, ở TP xảy ra 170 vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Độ tuổi trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ và địa bàn phát sinh các vụ xâm hại không chỉ là nơi vắng vẻ hay khu nhà trọ mà gần đây xảy ra ở khu vực công cộng (chung cư, trường học, công viên). Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại có cả người có trình độ, học vấn cao.
Còn dễ dãi với tội phạm dâm ô
Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nạn xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận nhưng việc phát hiện để xử lý, thi hành án đối với người có hành vi xâm hại còn nhiều khoảng trống, chưa sát thực tế.
Bà Hồng dẫn chứng vào tháng 8-2017, TAND TP HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử ông Dương Xú Há (SN 1963; ngụ quận 5, TP HCM). Ngoài những tình tiết mà tòa sơ thẩm đã xem xét như ăn năn hối cải, lần đầu phạm tội, cấp phúc thẩm lấy lý do bị cáo Há đã đền bù 12,7 triệu đồng để làm tình tiết giảm án. Từ đó, TAND TP HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm từ 4 năm tù xuống còn 2 năm 6 tháng tù về tội "Dâm ô đối với trẻ em".
Một bé gái sinh năm 2012 ở huyện Củ Chi, TP HCM bị xâm hại tình dục; đối tượng đã thừa nhận hành vi xâm hại nhưng cơ quan chức năng không khởi tố vụ án do “thiếu chứng cứ” Ảnh: Ý LINH
Điều gây bức xúc là mặc dù bản án phúc thẩm có hiệu lực vào ngày 23-8-2017 nhưng đến cuối tháng 5-2018, các cơ quan chức năng vẫn chưa buộc ông Há thi hành án. Gia đình nạn nhân gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam vào cuộc thì ông Há mới chịu chấp hành bản án.
Từ vụ án này, bà Ninh Thị Hồng cho hay còn rất nhiều vụ án khác khi bản án đã có hiệu lực nhưng người phải thi hành án vẫn tại ngoại.
"Các cơ quan chức năng cần cân nhắc, việc cho các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục tại ngoại đến khi bản án có hiệu lực vẫn chưa được thi hành sẽ gây hoang mang đối với nạn nhân là các bé gái. Ngoài ra, những đối tượng này nhởn nhơ bên ngoài rất nguy hiểm, ai dám bảo đảm họ sẽ không tiếp tục xâm hại trẻ em? Cho nên, khi đủ chứng cứ thì cần khởi tố, bắt tạm giam ngay" - bà Hồng đề nghị.
Cũng theo bà Hồng, những người có hành vi xâm hại tình dục khi thi hành xong bản án thì cần phải thông báo để chính quyền địa phương quản lý, phòng ngừa. Đồng thời, nên đưa vào luật thi hành án quy định giám sát cộng đồng đối với những người chấp hành xong bản án liên quan đến xâm hại tình dục.
Bà Ninh Thị Hồng kiến nghị: "Theo điều 67 Bộ Luật Hình sự, một số trường hợp có thể làm đơn hoãn thi hành án nhưng không quá 1 năm. Tuy nhiên, tùy từng tội danh mà có thể cho hoãn thi hành án theo quy định. Riêng đối với tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục, tôi kiến nghị không cho tại ngoại và hoãn thi hành án. Bởi đối với loại tội phạm nguy hiểm này cần phải cách ly để họ chịu trách nhiệm với hành vi trái pháp luật mà họ gây ra".
Thất thoát tài sản tham ô
Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) cho rằng trong các vụ án về kinh tế, chức vụ, bất kể là đại án tham nhũng hay những vụ án vừa và nhỏ, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình thi hành án là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Các vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ, tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp; số lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát ngày càng lớn.
Trong khi đó, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng đang gặp nhiều khó khăn khi mà tỉ lệ thu hồi tính đến nay chưa tới 8%, một tỉ lệ quá thấp so với số thất thoát. Tất nhiên, còn có trường hợp trong một số vụ án, tài sản tham nhũng bị tẩu tán, hoàn toàn không thể kiểm soát và thu hồi được. "Để khắc phục vấn đề này, đặc biệt là đối với việc thu hồi các tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm túc và quyết liệt đối với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt ở cấp lãnh đạo. Cần tránh và thủ tiêu tư tưởng cả nể, cho qua đối với cấp lãnh đạo hay có quan hệ quen biết" - luật sư Công nói.
Theo đó, việc kê khai tài sản phải được xây dựng thành kế hoạch chi tiết, song song với việc tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Đối với tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, cán bộ, công chức cần giải trình rõ; nếu không giải trình được sẽ xử lý như tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Luật sư Nguyễn Thành Công nhìn nhận thực tế việc tịch thu này sẽ rất phức tạp.Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một quy trình thực hiện chặt chẽ, hợp lý và linh hoạt. Có như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề, ngăn chặn hành vi tham nhũng từ tận nguồn. Thêm vào đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng nên tham khảo, học tập các quốc gia khác trong xử lý tài sản tham nhũng, như tịch thu tài sản không cần bản án, các phương thức phong tỏa tài sản ngay tại thời điểm phát hiện hành vi tham nhũng và tịch thu các tài sản đó để xử lý ngay khi bị kết án. Việc ngăn chặn sớm các hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả việc thu hồi khi thi hành án, giảm thiểu tối đa thiệt hại do tham nhũng gây ra.
Phạt tiền tử tù có khả thi?
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thy (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng vấn đề thi hành án liên quan đến việc hình phạt bổ sung còn nhiều bất cập. Trong những vụ án liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy thì lúc nào hội đồng xét xử cũng tuyên hình phạt bổ sung là phạt tiền. Nhưng đối với một bị cáo bị tòa tuyên án tử hình thì việc phạt tiền có khả thi hay không, khi tử hình họ thì ai thi hành án?
Theo luật sư Quỳnh Thy, mức hình phạt hiện tại là từ 5-100 triệu đồng và những người mang án tử thường phạt mức cao nhất là 100 triệu đồng. Với những người chấp hành bản án tại trại giam, có thể gia đình sẽ thay họ nộp tiền để thi hành án, còn người mang án tử thì gia đình có thay họ nộp hay không?
"Tôi thấy đối với những người nếu bị tuyên án tử mà họ có tài sản đã bị phong tỏa thì có thể thi hành hình phạt bổ sung. Còn đối với những người tay trắng mà lãnh án tử nữa thì hình phạt bổ sung chỉ khiến các cơ quan tố tụng mất thời gian giám sát. Vì vậy, đối với trường hợp không có tài sản, nếu tuyên án tử thì không cần tuyên phạt tiền ở hình phạt bổ sung để tránh làm mất thời gian đối với các cơ quan liên quan" - luật sư Quỳnh Thy kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Đưa phạm nhân ra ngoài lao động: Không ổn!
Điều tôi cũng như rất nhiều cử tri băn khoăn nhất và không đồng tình nhất trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là tại điều 33 quy định về tổ chức cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù ra ngoài trại giam lao động.
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thể hiện được hết những bất cập mà cử tri quan tâm.
Thứ nhất, những người đang chấp hành hình phạt tù là đang cách ly với xã hội. Nếu đưa phạm nhân ra ngoài thì mất đi tính chất hình phạt tù. Việc lao động trong trại giam khác hoàn toàn với việc cho phạm nhân ra ngoài lao động và việc phạm nhân lao động trong trại cũng khác hoàn toàn với việc cho phạm nhân làm thuê cho doanh nghiệp (DN).
Thứ hai, việc đưa phạm nhân ra bên ngoài làm cho DN liên quan đến phạm trù kinh tế. Lao động của phạm nhân trong trại giam là dạng lao động công ích, lao động để cải tạo, khác với lao động trên cơ sở thỏa thuận với DN để tạo ra giá trị giữa trại giam và DN;người lao động là phạm nhân không được tham gia vào quá trình thỏa thuận đó, mà phải làm việc bằng mệnh lệnh.
Thứ ba, hình phạt của phạm nhân là hình phạt tù và không có hình phạt bổ sung. Do đó, việc phạm nhân phải lao động trong trại khác với việc họ bị bắt ra ngoài lao động. Vậy đây có phải là bổ sung một hình phạt mới hay không, tôi rất băn khoăn bởi điều này không có trong luật. Còn nếu trong lần sửa đổi này nếu đưa quy định này vào, tức là bổ sung thêm một hình phạt mới cho phạm nhân. Điều này rất khó để chấp nhận.
Thứ tư, việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động có thể sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường trước. Trại giam báo cáo từng thí điểm cho 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động, chỉ có 1 người bỏ trốn. Tôi cho rằng báo cáo này chưa có cơ sở để tin.
Tôi đề nghị phải cho đại biểu Quốc hội biết việc cho phạm nhân đi làm thí điểm dựa trên cơ sở, căn cứ nào. Quy định tại điều 33 là không phù hợp với tình hình pháp luật Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Thế ghi
Bình luận (0)