Để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, mới đây UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 09/2021 (gọi tắt là Quyết định 09) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác) trên địa bàn TP. Trong đó, sửa đổi bổ sung về giá dịch vụ công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý rác so với Quyết định 12 ban hành ngày 17-5-2019.
Có 3 phương án để lựa chọn
Theo Quyết định 09, căn cứ tình hình thực tế, địa phương lựa chọn một trong các hình thức thu giá dịch vụ để tổ chức thực hiện.
Một là, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ do đơn vị mình thực hiện cung ứng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Hai là, UBND phường - xã - thị trấn tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ trên địa bàn quản lý cho các đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Ba là, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn có pháp nhân tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển trên địa bàn do đơn vị mình thực hiện cung ứng dịch vụ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
"Đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn không có pháp nhân thì giao cho đơn vị đang cung ứng dịch vụ vận chuyển trên địa bàn cấp huyện tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có thể đề xuất và chủ động triển khai các hình thức khác theo quy định hiện hành và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành" - quyết định 09 của UBND TP nêu rõ.
Mỗi địa phương ở TP HCM sẽ tự quyết định giá thu gom rác theo Quyết định 09 vừa được UBND TP HCM ban hành Ảnh: THU HỒNG
Theo UBND TP HCM, giá dịch vụ thu là giá dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành để thu từ cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhằm tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ và bù đắp một phần cho ngân sách đã chi trả cho chi phí cung ứng dịch vụ vận chuyển, xử lý rác. UBND TP HCM cũng cho biết giá dịch vụ thu sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ phù hợp với đặc điểm của TP HCM để tiến đến giá dịch vụ thu được tính đúng tính đủ theo nguyên tắc thị trường - người gây ô nhiễm phải trả chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý khối lượng rác phát thải hoặc khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường, xóa bỏ bao cấp của nhà nước.
Quyết định này cũng sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn. Nếu quá trình cung ứng dịch vụ của chủ thu gom, vận chuyển rác không đúng thời gian, tần suất, không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh như thỏa thuận trong hợp đồng thì cá nhân, hộ gia đình phản ánh cho tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp, báo cáo UBND phường, xã, thị trấn kịp thời nhắc nhở chủ thu gom, vận chuyển rác (bằng văn bản hoặc biên bản họp) chấn chỉnh công tác này và xử lý vi phạm hợp đồng.
Trường hợp có trên 20% cá nhân, hộ gia đình trong tuyến thu gom phản ánh chủ thu gom, vận chuyển rác vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ và UBND phường, xã, thị trấn đã nhắc nhở hơn 1 lần/tháng bằng văn bản hoặc biên bản họp thì UBND phường, xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến của tập thể các cá nhân, hộ gia đình mà chủ thu gom, vận chuyển rác này đang cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thay đổi chủ thu gom, vận chuyển rác. Phương án chọn lựa sẽ theo ý kiến của đa số cá nhân, hộ gia đình.
Hợp lý, khỏi so bì
Nhận định Quyết định 09 sẽ giúp các địa phương mạnh dạn ban hành giá thu gom rác trong thời gian tới, ông Đặng Hải Bình - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận 12, cho biết chắc chắn khi giao về cho các địa phương thì giá thu gom rác mỗi nơi sẽ khác nhau vì cự ly vận chuyển, khối lượng thu gom của mỗi hộ gia đình là khác nhau, chưa kể có địa phương sử dụng xe cơ giới thu gom, địa phương khác lại thu gom thủ công...
Một cán bộ của Sở TN-MT TP khẳng định việc TP giao cho các địa phương ban hành giá thu gom rác là hợp lý vì chỉ có địa phương mới nắm rõ tình hình thực tế, từ đó căn cứ vào cự ly vận chuyển để tính toán giá vận chuyển. "Giá rác mỗi địa phương sẽ khác nhau nhưng trên nguyên tắc chung là chủ nguồn thải phải trả đúng, trả đủ số lượng chất thải phát sinh, tiến đến năm 2025, thu đủ chi phí thu gom, vận chuyển và đến năm 2050 bù đắp được 50% cho chi phí xử lý" - vị cán bộ phân tích.
Trong khi đó, đa phần những người thu gom rác trên địa bàn TP cho rằng quyết định này sẽ xóa đi việc so bì giữa địa phương này với địa phương khác.
Ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm (với 7 HTX thành viên, chuyên thu gom rác dân lập tại quận 5, 10, 3), nói trong thời gian chờ TP điều chỉnh lộ trình giá dịch vụ, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, trước đó một số địa phương đã ban hành giá thu gom với mức giá khác nhau như huyện Củ Chi là 35.000 đồng/hộ/tháng, quận 10 là 70.000 đồng/hộ/tháng… Những nơi có đơn giá thấp như huyện Củ Chi thì người thu gom rác phản ứng, nhiều người bỏ đường dây rác do thu không đủ bù chi, ngược lại địa phương có giá thu gom cao như quận 8, quận 10 thì người dân phản ứng do giá tăng đột biến. Nay Quyết định 09 đã hoàn toàn hóa giải điều này.
"Tuy nhiên, để tránh so bì cũng như để mọi người hiểu rõ mục đích của việc tăng giá thu gom, việc ban hành giá thu gom mới cần được các địa phương tiến hành đồng bộ, có tuyên truyền, giải thích để người dân nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình" - ông Khanh đề xuất.
Thay đổi cách phân loại rác
Theo quy định trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải phân loại rác thành 3 nhóm, gồm nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thủy tinh) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Để phù hợp với công nghệ xử lý hiện nay là tập trung tái chế và công nghệ đốt, UBND TP HCM đã quy định, sửa đổi cách phân loại rác thành 2 nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Bình luận (0)