Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", vào năm Giáp Thân (1404), Hồ Hán Thương cho đào kênh ở Bàu Sen để thuận đường vận chuyển binh lương vào Thuận Hóa. Năm Quang Thuận, vua Lê Thánh Tông trên đường chinh chiến Chiêm Thành ở phương Nam cho đào thông kênh Sen. Đến địa đầu xã này, nhà vua hạ lệnh tập hợp quân dân đào kênh. Bấy giờ, ông Mai Văn Bản, xã trưởng xã Thủy Liên, tâu rằng: "Chỗ này đất cát, nếu đào sẽ bị cát lấp, chỉ hại sức dân". Vua cả giận sai đem chém ông Bản, rồi sau đó hễ đào được chỗ nào liền bị cát lấp chỗ đó. Khi nhà vua đánh Chiêm Thành trở về, lúc voi đến bờ kênh thì đứng lại, không chịu lội qua, phục ngà xuống đất rống lên. Vua sai người lập đàn khấn vái thì đàn voi qua được sông. Vua phong cho ông Mai Văn Bản làm Thần Bản thổ và sai lập đền thờ. Đó là đền Mai Công được sử sách ghi lại.
Hồ nước Bàu Sen trong xanh, tĩnh lặng
Ngày nay, đến Bàu Sen, du khách có thể bơi thuyền vãn cảnh thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và trải nghiệm thú vui câu cá. Trong hồ có rất nhiều loài thủy sản nước ngọt sinh sống, nhiều nhất là các loài thuộc họ cá chép và các loại tôm. Ngoài những món đặc sản cá nước ngọt trong lòng hồ, ở đây còn có những món ẩm thực rất đặc trưng của vùng quê Lệ Thủy như: cơm gà, canh cá lóc, cá hấp, cháo cá, cháo vịt. Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy, ví Bàu Sen như "nàng công chúa" chưa được đánh thức bởi hồ có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết huyện đã nhiều lần kêu gọi đầu tư vào khu vực này nhưng vẫn chưa có hồi đáp tích cực. Mới đây, đã có nhà đầu tư muốn xây dựng khu vực Bàu Sen theo hướng kết hợp khu đô thị mới gắn với phát triển du lịch biển.
Bình luận (0)