Đó là môi trường đầu tư được cải thiện, phong trào khởi nghiệp lan rộng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đan xen nguy cơ của kinh tế vĩ mô bất ổn và nợ công, của nền kinh tế chỉ dựa vào đầu tư, xuất khẩu mà ít quan tâm đến các ngành sản xuất có yếu tố gia tăng…
Thuận lợi và rào cản đan xen còn ở ngay vấn đề dân số, tác động trực diện đến nền kinh tế mà chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm. Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định tỉ lệ dân số đô thị Việt Nam đã tăng gấp rưỡi trong thập niên qua, lên 34% trong tổng dân số 93 triệu dân và sẽ tăng lên 50% trong 10 năm kế tiếp. Thị dân tăng lên tạo ra một thị trường mới hấp dẫn các nhà đầu tư. Bằng chứng là năm 2016, lượng ô tô bán ra ở Việt Nam đã vượt 300.000 chiếc và dự kiến tăng bình quân 10% trong các năm tới, chủ yếu nhờ vào sức mua ở thị thành!
Lấy cái nhìn khái quát ở cả hai phía để soi rọi vào khía cạnh dân số và phát triển, có thể thấy trong lúc tầng lớp trung lưu và thị dân tăng lên sẽ tạo ra mức cầu nội địa tăng theo. Nhưng nền kinh tế mà các công ty, nhà máy quốc doanh đang rất yếu kém và thua lỗ trong khi doanh nghiệp dân doanh nhỏ lẻ non nớt, chưa có sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh thì tất yếu sẽ tạo ra một thị trường tràn ngập hàng nhập khẩu. Bài học nhãn tiền khi nhìn vào các siêu thị trên cả nước từ giữa năm 2016 đến nay, trong lúc chúng ta tập trung chuẩn bị cho các hiệp định thương mại song phương và đa phương thì hàng ngoại, nhất là từ ASEAN và Trung Quốc, đã thống lĩnh ngay trên sân nhà.
Thị dân tăng lên cho dù là thị dân trẻ nhưng tay nghề không được nâng cao thì cũng sẽ tạo ra thách thức lớn do chỉ làm gia công, làm thuê cho các nhà đầu tư hơn là được thu hút vào các xí nghiệp tư nhân trong nước có giá trị hàng hóa gia tăng. Bi kịch "giá công nhân rẻ" mà ta từng coi như ưu thế bắt đầu bộc lộ trên thị trường lao động. Thu nhập thấp trong một xã hội đang đầy ắp những kích thích tiêu dùng sẽ dẫn đến khuynh hướng tiết kiệm cá nhân bị triệt tiêu, có khi là xuống mức âm bởi các chính sách cho vay tiêu dùng đang tràn ngập! Hậu quả là sẽ tạo ra một tầng lớp dân nghèo đô thị lấn át cả cái gọi là "tầng lớp trung lưu" mà chúng ta kỳ vọng.
Dân số đô thị tăng lên sẽ tạo áp lực cho phát triển bền vững ở thành phố đang thiếu quy hoạch khoa học và dài hạn là điều nhãn tiền. Những vấn nạn về kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông, trường học, bệnh viện quá tải, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ô nhiễm đang từng ngày hiển hiện.
Đó cũng chính là những "cái bẫy" kín đáo của niềm hãnh tiến "thu nhập trung bình" với dân số dồi dào. Những vấn đề kinh tế và xã hội luôn đan xen, tác động lẫn nhau buộc chúng ta tỉnh táo, tìm ra lối thoát cho phát triển bền vững.
Bình luận (0)