Kéo dài hơn 600 m mặt tiền Quốc lộ 1 (đoạn qua phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM), khu đất khoảng 53.000 m2 do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Đồng Tiến (gọi tắt Công ty Đồng Tiến) quản lý với 2/3 diện tích được xẻ thành nhiều ô để cho thuê làm nhà xưởng, phần còn lại cho thuê làm bãi đậu xe.
Biến đất công thành đất... !
Vào bên trong khu đất làm nhà xưởng trên, chúng tôi ghi nhận có cả chục cơ sở đang hoạt động, với ngành nghề chủ yếu gia công sắt thép, gỗ… Diện tích mỗi nhà xưởng từ 400 m2 đến 1.000 m2, dựng bằng sắt khá kiên cố, tồn tại hơn 5 năm nay. Sát bên hệ thống nhà xưởng là bãi đậu xe tải của 4 doanh nghiệp và một bãi đất dùng để trưng bày đá bonsai. Bên trong bãi đỗ xe có hàng chục xe tải.
Khu đất công có diện tích 3.200 m2 tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn bị xẻ làm nhiều nhà kho cho thuê sai mục đích
Nhìn khu đất bừa bộn với gạch đá ngổn ngang, ông Tâm, một cán bộ hưu trí sống gần đó, bức xúc nói: Năm 2012, khu đất đắc địa này được TP giao cho Công ty Đồng Tiến để làm siêu thị và trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Nghe vậy, người dân xung quanh rất mừng vì sẽ có nơi mua sắm gần nhà nhưng chờ mãi không thấy siêu thị, trung tâm dịch vụ nông nghiệp đâu, chỉ thấy đất công bị xẻ thịt làm nhà xưởng, bãi đậu xe.
Công ty Đồng Tiến lấy khu đất công 53.000 m2 dùng để xây siêu thị, trung tâm dịch vụ nông nghiệp cho doanh nghiệp khác thuê
Đúng như bức xúc của ông Tâm, theo tài liệu chúng tôi có được thì khu đất này được UBND TP giao cho Công ty Đồng Tiến thuê theo Quyết định số 4844 ngày 11-10-2011 và Quyết định 884 ngày 23-2-2012. Từ thời điểm thuê đến nay, Công ty Đồng Tiến chưa thực hiện mục đích được giao là xây siêu thị và trung tâm dịch vụ nông nghiệp mà tự ý cho Công ty Cát Thành Công thuê đất trái quy định để xây dựng văn phòng, bãi đậu xe không phép theo hình thức "hợp đồng dịch vụ" dẫn đến phát sinh tranh chấp mà TAND quận 12 đang thụ lý.
Tương tự, nằm ngay vị trí đắc địa thuộc khu vực vòng xoay An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), khu đất rộng 3.200 m2 được UBND TP giao cho Công ty CP Địa ốc 6, cũng đang bị khai thác triệt để. Theo tài liệu và thông tin người dân cung cấp, từ năm 2015, khu đất đã bị "xẻ thịt" khi Công ty Địa ốc 6 ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Xây dựng Sinh Phát Lộc.
Để tìm hiểu thêm, trong vai người cần thuê kho, chúng tôi được ông Quảng, người trông coi các kho ở đây, giới thiệu một kho trống diện tích 120 m2 với giá 10 triệu đồng/tháng, chỉ cần đặt 1 tháng tiền cọc là được dọn đồ vào. Khu đất ngổn ngang cát sỏi, có khoảng 10 nhà kho được dựng bằng tôn, sắt, diện tích từ 120 m2 đến 300 m2, giá cho thuê từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/tháng. Theo ông Quảng, số nhà kho này được cho thuê 5 năm nay, mỗi tháng chủ kho thu về hơn 100 triệu đồng.
Xin đất để... bỏ hoang
Qua ghi nhận của chúng tôi, tình trạng lãng phí đất công còn xuất hiện ở nhiều khu đất diện tích lớn từ vài chục đến hàng trăm ha. Những khu đất lớn này được TP giao các công ty thực hiện dự án, phát triển sản xuất nhưng nhiều năm sau khi nhận đất không ít công ty… bỏ hoang.
Điển hình, khu đất gần 80 ha của Nông trường Láng Le (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) được UBND huyện thu hồi đất của các hộ dân từ nhiều năm nay để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Lê Minh Xuân (Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Gia Phú làm chủ đầu tư). Thế nhưng, sau nhiều năm, nhà ở xã hội đâu không thấy chỉ thấy cỏ mọc um tùm. Chỉ tay về khu đất, lão nông Phan Văn Á bùi ngùi kể từ năm 1990, anh em ông gồm 11 người ký hợp đồng khoán đất của Nông trường Láng Le để khai khẩn trồng tràm, keo lai với diện tích khoảng 40 ha. Trải qua nhiều khó khăn từ xới đất, làm đường thì những vườn tràm tươi tốt cho thu hoạch nhưng làm được 5 vụ thì năm 2010 dự án triển khai. "UBND huyện yêu cầu thu hồi đất, chúng tôi chấp hành chủ trương nhưng đến nay tiền đền bù theo quyết định của hội đồng đền bù TP vẫn chưa trả đủ cho chúng tôi, khiến khiếu nại kéo dài. Đau lòng hơn, dự án nhà ở xã hội vẫn không thấy, chỉ thấy cánh rừng hoang hóa, mọc đầy cỏ dại mà tiếc hùi hụi" - ông Phan Văn Á ngao ngán nói.
Đặc biệt, ở quận 12 có đến 7 khu đất của nhà nước diện tích hơn 13 ha được các công ty "xí đất" rồi bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích, gây bức xúc cho người dân. Như khu đất 7.500 m2 thuộc khu quy hoạch tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất, quận 12 được UBND TP giao cho Trường Trung cấp Phương Nam (gọi tắt là Trường Phương Nam) xây dựng trường dạy nghề từ năm 2012. "Quá trình bàn giao mặt bằng cho trường này rất vất vả bởi quận phải vận động, thuyết phục thậm chí cưỡng chế thu hồi đất của nhiều hộ dân. Vậy mà, hơn 7 năm từ khi nhận mặt bằng, Trường Phương Nam chỉ là bãi đất trống, được rào sơ sài, bên ngoài thành bãi rác tự phát, gây bức xúc cho những người có đất bị thu hồi" - một cán bộ quận 12 cho biết. Tương tự, khu đất diện tích 15.600 m2 (phường Tân Chánh Hiệp) được TP giao Tổng Công ty Lương thực miền Nam từ năm 2013, mục đích làm văn phòng, nhà xưởng nhưng qua nhiều năm, đơn vị này sử dụng không hiệu quả, để hoang hóa.
Kiến nghị thu hồi
Vì sao dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Lê Minh Xuân chậm triển khai, để đất công hoang hóa, gây bức xúc? Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho rằng dự án này triển khai từ tháng 8-2009, ban bồi thường giải phóng mặt bằng tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ và vận động hộ dân bàn giao mặt bằng. Nhưng mãi đến tháng 1-2018 mới hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Còn tại sao hơn 1,5 năm mà chủ đầu tư chưa thực hiện dự án thì huyện này chưa có thông tin (!?).
Nói về việc lãng phí hàng loạt khu đất công ở quận 12, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng đất để đầu tư các dự án xây dựng trường học trên địa bàn quận là rất lớn. Theo đó, nhằm giải quyết tình trạng quá tải đặc biệt ở cấp THCS, qua rà soát, UBND quận đã có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét kiến nghị UBND TP thu hồi các dự án chậm triển khai, triển khai không hiệu quả giao quận sử dụng đầu tư các dự án trường học, công trình công cộng. Qua rà soát, quận 12 kiến nghị thu hồi 8 khu đất với tổng diện tích khoảng 14 ha nằm rải rác các phường Tân Thới Nhất, Tân Chánh Hiệp, Hiệp Thành, Trung Mỹ Tây…
Liên quan đến khu đất của Công ty Đồng Tiến, lãnh đạo UBND quận 12 cho hay tháng 1-2019, UBND quận này đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP thu hồi, hủy bỏ quyết định cho thuê đất, chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Đồng Tiến. Tương tự, khu đất diện tích 15.600 m2 (phường Tân Chánh Hiệp) được TP giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam từ năm 2013 nhưng sử dụng không hiệu quả nên UBND quận 12 đã đề xuất TP thu hồi.
Cũng như lãnh đạo UBND quận 12, đại diện UBND huyện Hóc Môn cũng khẳng định sẽ rà soát, kiến nghị UBND TP thu hồi các khu đất, dự án sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí trên địa bàn.
Xuất hiện tình trạng lừa đảo
UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã có văn bản kiến nghị thu hồi 200 ha đất công mà một doanh nghiệp thuê nhưng sử dụng không hiệu quả.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết hiện nay, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập vừa và thấp rất cao, trong khi các dự án nhà ở xã hội không phát triển kịp khiến các dự án "ma" có cơ hội phát triển, lừa đảo người dân. Khu đất 200 ha nói trên được UBND TP cho doanh nghiệp thuê từ năm 2014, mục đích để đầu tư nhân giống và phát triển cây trồng vật nuôi nhưng đến nay, dự án vẫn không được triển khai. Ngoài ra, từ tháng 7 đến tháng 8-2019, các đối tượng xấu còn rao bán 200 ha đất công này trên các sàn giao dịch bất động sản gây khó khăn cho chính quyền địa phương.
Bình luận (0)