Cứ đến ngày lễ hay cuối tuần, hàng vạn lượt người tham gia giao thông qua các cửa ngõ tỉnh Đồng Nai lại bức xúc với cảnh giao thông hỗn loạn, không lối thoát, tai nạn rình rập. Ngoài lý do mưa lớn gây ngập thì cảnh hỗn loạn xảy ra còn do bất cập trong phân luồng, quản lý hạ tầng và việc thi công các công trình giao thông không bảo đảm an toàn hay tiến độ.
Rối phía Bắc, hỗn loạn phía Đông
Chiều 3-9, người đi đường đã chứng kiến trận ngập và kẹt xe lịch sử tại khu vực đèo Mẹ bồng con (địa bàn giáp ranh giữa thị xã Long Khánh và huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Nói là trận kẹt xe lịch sử bởi biển người kéo dài hàng km Quốc lộ 1. Trong trận ngập kẹt lịch sử ấy, người đi xe máy gần như ngộp thở; còn xe tải, xe khách, ôtô cá nhân thì "nằm đường". Người dân hai bên đường cũng khốn khổ không kém khi mọi công việc gia đình hay làm ăn đình trệ vì không thể ra đường với dòng xe ken cứng không lối thoát.
"Kẹt xe kiểu này thì TP HCM đã thua xa Đồng Nai mất rồi" - anh Nguyễn Thắng, ngụ thị xã Long Khánh, đang cố len lỏi khỏi "trận địa" kẹt xe để đi đón con gái gửi ở nhà mẹ vợ, bức xúc nói. Theo anh Thắng, không cần phải là chuyên gia giao thông nhưng anh vẫn biết nguyên nhân kẹt xe ở đây là do hạ tầng quá kém.
Quốc lộ 51 thường xuyên hỗn loạn vào những ngày lễ hay cuối tuần
Nối tiếp tình trạng hỗn loạn tại đèo Mẹ bồng con, đến đoạn công trình cầu vượt Dầu Giây (ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất), người đi đường tiếp tục bị đày đọa bởi lượng phương tiện từ Bình Thuận vào, Đà Lạt đổ xuống gây ùn tắc. "Không phải dịp lễ lớn, chỉ cần cuối tuần, lượng xe tăng đôi chút là nơi đây tắc đường, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên miên. Thế nhưng, rất ít khi đơn vị thi công đưa người ra điều tiết giao thông để giảm phần nào ùn tắc" - anh Hòa, một người dân sống gần nút giao thông này, cho hay.
Trong suốt dịp đi lại ngày lễ vừa qua, người đi đường phải nói là khốn khổ qua các tuyến đường cửa ngõ phía Đông tỉnh Đồng Nai với hình ảnh Quốc lộ 51 luôn trong tình trạng kẹt cứng và không ít các vụ TNGT đã xảy ra. Đặc biệt, trong cơn mưa chiều 3-9, ở đoạn giáp ranh giữa Long Thành (Đồng Nai) và Bà Rịa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 biến thành biển nước, với hàng ngàn phương tiện… chết đứng.
Riêng đoạn từ xã Phước Tân (huyện Long Thành) kéo dài lên đến ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa), từ chiều đến tối 3-9, phóng viên ghi nhận ít nhất có gần chục vụ va quệt giữa các xe máy với nhau. "Cứ lễ hay cuối tuần thì không ùn cũng kẹt dù cả ngàn tỉ đồng đã được bỏ ra đầu tư nâng cấp Quốc lộ 51. Hình như quy hoạch giao thông đang có tầm nhìn rất ngắn thì phải" - bà Hòa, cư dân xã Phước Tân, vừa bức xúc vừa nghi ngờ. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ nhiều năm nay, tuyến Quốc lộ 51 đã chìm trong hỗn loạn sau khi mưa lớn chứ không riêng gì ngày lễ.
Đặc biệt, hệ thống cầu Đồng Nai với cầu vượt, hầm chui mở rộng nhưng để lại tình trạng ngập nặng, giao thông luôn rối loạn, tai nạn liên tục xảy ra khiến người dân, người đi đường luôn than trời mỗi khi qua đây.
Đổ cho… lịch sử!
Người dân khẳng định hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 51 thuộc các điểm ngập kẹt vừa nêu là không hoàn thiện hoặc không có, khiến cả "làng" khốn khổ. Khu vực nút giao giữa Quốc lộ 51 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng luôn quá tải mà không có biện pháp giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, đoạn trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 51 (xã Long Phước, huyện Long Thành), trong các ngày lễ cũng liên tục diễn ra tình trạng kẹt xe kéo dài, lượng phương tiện dồn ứ nhưng chưa được giải tỏa kịp thời.
Lý giải lý do ngã tư Dầu Giây, thời gian gần đây trở thành nút giao phức tạp, nhiều tài xế cho rằng điểm giao giữa trục Bắc - Nam với Quốc lộ 20 đi tỉnh Lâm Đồng và Tỉnh lộ 769 đi cảng Gò Dầu trở nên chật chội. Nguyên nhân là tại đây, công trình cầu vượt Dầu Giây hiện như một bãi chiến trường. Người dân ở đây đang suốt ngày kêu ca, bức xúc bởi theo kế hoạch, dự án cầu vượt ngã tư Dầu Giây dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2018 nhưng đến nay, công trình vẫn đang trong cảnh ngổn ngang, chưa biết lúc nào sẽ hoàn thành…
"Biển báo rối rắm, hệ thống phân làn đường chưa hợp lý là điều ai cũng thấy. Chưa bao giờ chúng tôi bất an như thế này, ra đường tai nạn xảy ra như cơm bữa" - ông Nguyễn Thanh Chương, ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, nói.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho rằng áp lực giao thông ngày càng tăng, hạ tầng giao thông không theo kịp nên dẫn đến tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, sở này cũng thừa nhận nguyên nhân có nhiều phần xuất phát từ việc thực hiện hạ tầng không đồng bộ. Khu vực Dầu Giây đang vướng công trình cầu vượt, còn ngã tư Vũng Tàu hệ thống hạ tầng còn cản trở thoát nước, các con suối trong vùng bị lấn chiếm…
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Ban Quản lý dự án đường bộ VII (Cục Đường bộ IV, Bộ GTVT - đơn vị quản lý các dự án trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh Đồng Nai), nại rằng một số bất cập dẫn đến hậu quả về mặt giao thông tại Đồng Nai chủ yếu là do khâu giải phóng mặt bằng khó xử lý.
"Những tồn tại về mặt lịch sử, pháp lý khiến việc giải tỏa mặt bằng không giải quyết nhanh được. Ở khu ngã tư Vũng Tàu cũng như dự án cầu vượt Dầu Giây, do vướng mặt bằng, nếu không thì tốc độ triển khai xử lý giải quyết tồn tại, bất cập sẽ thúc đẩy nhanh hơn. Chúng tôi đã và đang phối hợp với các bên để đẩy nhanh việc giải quyết…" - ông Khoát thông tin.
Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai (PC67), cũng cho rằng tình trạng trên diễn ra một phần do "tính chất lịch sử để lại", đường hẹp, ống cống nhỏ…; phần khác lại do tốc độ phát triển hạ tầng nhanh nên chưa đồng bộ. (!)
Hàng chục điểm đen cần được xử lý
Theo PC67 Công an Đồng Nai, trên Quốc lộ 1 hiện có 5 điểm "nóng", gồm ngã tư Dầu Giây đèo Mẹ bồng con và những điểm ở đoạn qua địa bàn huyện Trảng Bom. Tương tự, trên Quốc lộ 51 có các điểm nóng ở đoạn Cổng 11, đoạn cầu Đen, đoạn ngã tư Vũng Tàu. "Ở những điểm nóng trên, PC67 đã phối hợp cùng địa phương và Cục Quản lý đường bộ 4 đề xuất, phối hợp và lên kế hoạch tập trung, tăng cường chốt chặn, phân luồng xử lý" - trung tá Trần Trọng Thủy nói.
Bình luận (0)