xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bến Tre đột phá từ "đường Hồ Chí Minh trên biển"

Bài và ảnh: MINH SƠN

Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến của "đường Hồ Chí Minh trên biển", tỉnh Bến Tre quyết tâm tạo đột phá mới về kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm phát triển kinh tế về hướng Đông

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2021), ngày 31-10, tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - nơi xuất phát chuyến tàu đầu tiên ra Bắc báo cáo với trung ương, cũng là nơi nhiều lần đón những chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam - Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức hội thảo khoa học "Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển - phát triển Bến Tre về hướng Đông".

Ký ức hào hùng

Đầu tháng 4-1946, khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển (sau này là đường Hồ Chí Minh trên biển). Ông Đào Công Trường, Tư lệnh khu 8, làm trưởng đoàn, cùng các ông Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp và nữ tướng Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình kháng chiến và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 7 ngày thuyền lênh đênh trên biển, các chiến sĩ ra đến miền Bắc, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ chuyến mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã hình thành bến tàu không số huyền thoại - nơi tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường biển.

Tháng 8-1960, tại bến Thạnh Phong, tàu gồm 8 người do ông Lê Công chỉ huy đã vượt biển ra Bắc với nhiệm vụ mở đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào khu 8 và tỉnh Bến Tre. Tháng 11-1962, tàu này chở 75 tấn vũ khí về miền Nam thành công. Đến ngày 17-6-1963, gần 100 tấn vũ khí, hàng hóa đã được bốc dỡ, cất giấu và trung chuyển an toàn.

Bến Tre đột phá từ đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh 1.

Vàm Khâu Băng (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là nơi đoàn tàu không số tiếp nhận vũ khí miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên thuyền trưởng tàu không số, nhớ lại đầu năm 1961, các tỉnh khẩn trương chuẩn bị những chuyến đi vượt biển, mở đường trong hoàn cảnh hết sức khó khăn vì địch còn chiếm đóng và kiểm soát khắp làng xã miền Nam. Ngày 1-6-1961, chiếc thuyền đầu tiên của Bến Tre xuất phát theo đúng kế hoạch. Sau đó, lần lượt thuyền Cà Mau và thuyền Bến Tre đưa được 22 cán bộ ra đến Hà Tĩnh, Quảng Bình an toàn.

Riêng ở Trà Vinh, do quá khó khăn, đoàn phải đi bằng thuyền buồm. Còn tỉnh Bà Rịa chỉ đủ mua chiếc thuyền câu mực ven bờ, đi giữa mùa gió Tây Nam và bão nên bị trôi dạt sang Macau (bấy giờ thuộc Bồ Đào Nha) và Hải Nam - Trung Quốc, sau này phải về Hà Nội bằng đường ngoại giao.

Cuối cùng, 5 chiếc thuyền mở đường thắng lợi được tập trung về Hà Nội. Ngày 23-10-1961, Đoàn 759, tiền thân của đơn vị tàu không số trên biển Đông (nay là Lữ đoàn 125), ra đời.

Theo đại tá Dương Hồng Anh, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, khối lượng vũ khí vận chuyển vào Nam ngày càng nhiều, cần có bến tiếp nhận, cất giữ, bảo quản và vận chuyển cho các địa phương. Vì vậy, ngày 19-9-1962, Đoàn 962 được thành lập, quy mô cấp sư đoàn, do ông Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn, bí số 203, Phó Chính ủy Quân khu 8) làm Chính ủy kiêm Đoàn trưởng. Ban Chỉ huy Đoàn 962 đóng tại ấp Cồn Tra, xã Thạnh Phong.

Đoàn 962 có nhiều đơn vị trực thuộc, phiên hiệu là Bến (bí số B). Trong đó, Bến Bến Tre (phiên hiệu A101, bí số B3) có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cung cấp hàng cho 3 quân khu và 10 tỉnh, thành miền Nam; đón, đưa cán bộ cao cấp và các đồng chí được phân công từ trung ương về miền Nam theo đường biển trong các chuyến tàu.

Bến Tre đột phá từ đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh 2.

Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9, phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo nêu trên, ông Huỳnh Phước Hải (79 tuổi, cựu thủy thủ tàu không số) kể: Năm 1962, ông tham gia chở chuyến vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam rồi tham gia tiếp 7 chuyến tàu nữa với bao nguy hiểm, nhiều đồng đội đã hy sinh. Không chỉ bến Thạnh Phong, đoàn tàu không số còn nhận nhiệm vụ vận chuyển rất nhiều vũ khí ở các bến Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh…

Từ tháng 6-1963 đến tháng 11-1970, 28 chuyến tàu đã cập bến Bến Tre; gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Trong số gần 1.500 tấn vũ khí, vật chất được đơn vị A101 - Bến Bến Tre tiếp nhận tại đầu cầu xã Thạnh Phong, chưa tới 5% lượng vũ khí, vật chất bị thất thoát.

Đại tá Lê Minh Trí (nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 962, Quân khu 9; hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Phong) vẫn còn nhớ như in chiếc tàu không số vận chuyển vũ khí cập bến bị mắc cạn ngoài đầu cồn vào tháng 11-1964. Lực lượng quân và dân đã làm việc suốt 5 ngày mới đưa được toàn bộ vũ khí vào nơi an toàn.

Động lực mới để Bến Tre phát triển

Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9, nhận định đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích, chiến công đã trở thành huyền thoại trường tồn trong lòng dân tộc, để lại những bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại được mặc định là nơi đầu sóng ngọn gió, đứng ở vị trí tiên phong hướng ra biển; đã được quy hoạch xây dựng tuyến đường động lực và hành lang kinh tế ven biển với cảng nước sâu, trung tâm logistics, cụm công nghiệp, năng lượng sạch… Nhìn trên bản đồ địa lý, Bến Tre như mũi tàu vừa cập bến nhưng những thứ quý giá trên tàu chưa được vận chuyển lên bờ.

"Thời gian qua mau, những chiến binh quả cảm, anh dũng, kiêu hùng ngang dọc của đoàn tàu không số năm xưa nhiều người đã theo ông bà, những người đang sống nay cũng đã già. Song, khí phách hào hùng, sự hy sinh anh dũng, những hành động quả cảm xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trong bão tố phong ba, trong mưa bom bão đạn và ký ức về một thời chiến tranh ác liệt vẫn còn lắng đọng mãi với thời gian, vẫn còn mãi mãi niềm tự hào của dân tộc" - Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết với mục tiêu "phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng Khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre" trong giai đoạn mới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.

Đặc biệt, Bến Tre định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh việc tăng cường liên kết với các tỉnh trong tiểu vùng để triển khai các hoạt động đã ký kết, Bến Tre cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của từng địa phương, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thủy, bộ.

Đề nghị có ngày kỷ niệm sự kiện

Đại tá Huỳnh Văn Be - Anh hùng Lực lượng Vũ trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết năm 1946, nữ tướng Nguyễn Thị Định được cử đi gặp Bác Hồ và chuyển 12 tấn vũ khí an toàn về đến nơi. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho việc mở đường vào Nam.

Ông Be đề nghị tỉnh Bến Tre lấy ngày kỷ niệm sự kiện năm 1946 này và đề nghị trung ương công nhận trên cả nước. Bên cạnh đó, cần phải tri ân những người hy sinh trên biển bằng công viên nghĩa trang như di tích lịch sử. Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân đề nghị các cấp có thẩm quyền ghi nhận và trình cơ quan trung ương sớm cho chủ trương thực hiện.

Đại tá LÊ VĂN HÙNG, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre:

Cuộc Đồng Khởi về kinh tế

Phát huy kinh nghiệm và giá trị lịch sử của bến tàu Thạnh Phong vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tại hội thảo này, Bến Tre tiến hành cuộc Đồng Khởi mới, thực hiện phát triển kinh tế về hướng Đông.

Bến Tre quyết tâm tạo ra một bước đột phá mới về kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, kinh tế biển là một trụ cột, đầu tư khai thác biển để làm giàu từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển, giữ vững quốc phòng - an ninh; đưa quê hương Đồng Khởi từng bước đuổi kịp và sánh ngang với các tỉnh, thành nhóm đầu khu vực ĐBSCL trong thập niên tới.

Đại tá ĐỖ VĂN PHƯỚC (Đoàn 962):

Tự hào quê hương Bến Tre

Với chặng đường 60 năm, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định quê hương Bến Tre là nơi mở đường sớm nhất, bắt đầu từ nữ tướng Nguyễn Thị Định. Bến Tre cũng là một trong những nơi có bến cảng lòng dân tốt nhất trong việc tiếp nhận và phát huy hiệu quả sự chi viện của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo