Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (BQL di tích Lam Kinh), tỉnh Thanh Hóa cho biết để sẵn sàng đón khách du lịch trở lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và những năm tiếp theo, BQL di tích Lam Kinh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để Lam Kinh trở thành một điểm đến xanh, an toàn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hướng dẫn viên du lịch BQL di tích lịch sử Lam Kinh kể về những điều đặc biệt trong Chính điện Lam Kinh
Đáng chú ý, để kích cầu du lịch vượt qua đại dịch Covid-19, BQL di tích Lam Kinh đã xây dựng kế hoạch báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho mở cửa Chính điện Lam Kinh, để du khách được tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc độc đáo, đồ sộ bên trong tòa nhà bằng gỗ kỳ vỹ nhất Việt Nam hiện nay.
Theo sử sách, Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, người có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418-1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vược bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài tới 360 năm.
Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh và khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - một công trình bằng gỗ lim kỳ vĩ nhất Việt Nam
Trải qua hàng trăm năm, những công trình kiến trúc Hậu Lê ở Lam Kinh gần như bị tàn phá chỉ còn lại phế tích là những nền móng, lăng mộ. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh. Trong số đó có Chính điện Lam Kinh, công trình kỳ vĩ bằng gỗ lim, với nhiều hạng mục bên trong được làm bằng vàng thật.
Chính điện Lam Kinh được phục dựng vào năm 2010, theo đúng quy mô, kích thước và kiến trúc xưa. Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, cao 1,8 m so với sân Rồng. Điện được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công, tổng cộng 3 tòa nhà có 19 gian, 4 chái.
Chính điện là một công trình kiến trúc gỗ ở khu trung tâm, có quy mô lớn nhất Lam Kinh và được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chính điện có 138 cột, đều làm bằng gỗ lim với kích thước siêu khủng phải 2 người ôm mới xuể.
Khác với mọi năm, năm 2022, Chính điện Lam Kinh sẽ mở cửa đón du khách
Kể từ khi xây dựng tới nay, Chính điện chưa mở cửa đón khách mà chỉ khi nào diễn ra các sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng Chính điện mới mở cửa để hành lễ.
Vì vậy, nếu Chính điện Lam Kinh chính thức được mở cửa vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dân 2022, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến vẻ đồ sộ, kỳ vĩ bên trong như 138 cột lim nguyên khối, siêu khủng, trong đó có 1 cây lim "hiến thân" được hạ từ rừng Lam Kinh, với nhiều câu chuyện li kỳ (cây này tương truyền có tuổi đời 600 năm tuổi, cùng thời với người Anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược).
Đặc biệt, trong Chính điện có nhiều hạng mục nội thất được làm bằng vàng thật như ngai vàng của Vua, bàn làm việc… với số lượng vàng rất lớn.
Cận cảnh bên trong Chính điện Lam Kinh - công trình có nhiều hạng mục được dát bằng vàng thật ở di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh:
Chính điện Lam Kinh
Công trình này được phục dựng từ năm 2010, trên nền cũ của cung điện xưa
Đây là công trình bằng gỗ lim lớn nhất nhất Việt Nam
Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công, tổng cộng 3 tòa nhà có 19 gian, 4 chái
Công trình được khôi phục trên chính cung điện xưa, gắn liền với thân thế sự nghiệp của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi
Bên trong Chính điện Lam Kinh có rất nhiều công trình được dát vàng thật
Ngai vàng của Vua
Bàn thờ và một số linh vật cũng được dát vàng
Cây lim bên trong Chính điện Lam Kinh gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng
Nền cũ được khai quật trong Chính điện Lam Kinh
Bình luận (0)